Phát huy vai trò của 'An toàn, vệ sinh viên'

Theo thống kê, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra hơn 8.000 vụ tai nạn lao động (riêng trong năm 2020 là 8.380 vụ, làm 8.610 người bị nạn với hơn 960 người tử vong). Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó lỗi chủ yếu thuộc về người sử dụng lao động, tiếp đến là lỗi của người lao động, số còn lại do các nguyên nhân khách quan khác. Thực tế đó cho thấy, đội ngũ an toàn, vệ sinh viên có vai trò rất quan trọng trong lao động sản xuất.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện nay có khoảng 190.000 an toàn, vệ sinh viên, chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp lớn, có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Những doanh nghiệp này làm rất tốt công tác bảo hộ lao động, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức của người lao động về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, sự an toàn khi làm việc.

Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hồ Thị Kim Ngân cho biết, dù đội ngũ an toàn, vệ sinh viên có vai trò rất quan trọng, tuy nhiên đến nay, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Số lượng doanh nghiệp chủ động xây dựng mạng lưới an toàn, vệ sinh viên chỉ chiếm khoảng 15-20%, còn lại đến 80% các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp làm dịch vụ hoặc là có ít lao động, vẫn chưa quan tâm đến việc này.

Từ thực tế đó, Tháng Hành động về vệ sinh an toàn lao động năm 2021 được phát động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên” trên phạm vi toàn quốc nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và nâng cao năng suất lao động tại nơi làm việc.

Vì vậy, không chỉ trong Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động mà hằng năm, các cấp Công đoàn đều phối hợp với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện và tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về an toàn vệ sinh lao động cho an toàn vệ sinh viên theo quy định.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước; nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là lợi ích thiết thực nhất đối với người lao động. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác bảo hộ lao động; đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người lao động.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, để đẩy lùi tai nạn lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cần thiết phải phát triển cả về số lượng và chất lượng mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở trong doanh nghiệp. Theo Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hồ Thị Kim Ngân, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp chưa có an toàn, vệ sinh viên phải thành lập đội ngũ này ngay để điều kiện làm việc tại nơi đó được tốt hơn. Đồng thời phải có cơ chế xử phạt các doanh nghiệp thì họ mới nghiêm túc thực hiện việc này.

ĐỖ BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_243085_phat-huy-vai-tro-cua-an-toan-ve-sinh-vien-.aspx