Phát huy vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách
Báo chí cách mạng phải 'sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa', phải vươn lên gánh vác trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân trên mặt trận thông tin. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ báo chí nhưng cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và hiệu quả thông tin.
Ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 7/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó xác định: Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Bài viết làm rõ vai trò của hoạt động truyền thông chính sách và một số đề xuất nâng cao chất lượng truyền thông chính sách trên báo chí, truyền thông.
Chỉ thị số 7/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách” trong tình hình mới là một bước đột phá, bám sát thực tiễn và được kỳ vọng sẽ tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ. Điểm nổi bật của Chỉ thị này là đã xác định rõ truyền thông chính sách là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan này phải có nhân sự, nguồn lực làm truyền thông chính sách…
Tuy nhiên, từ chủ trương đúng đến thực tiễn triển khai còn nhiều khó khăn, trở ngại, cần nỗ lực và nhận thức thống nhất. Nói cách khác, muốn truyền thông chính sách hiệu quả, phải có chính sách đủ mạnh, sát thực với truyền thông. Đây là một nội dung rất lớn nhưng trong phạm vi bài viết này, dưới góc nhìn báo chí, chỉ xin đề cập đến một số vấn đề về phát huy vai trò của truyền thông chính sách.
Thứ nhất, phải quan tâm và khắc sâu giá trị cốt lõi của báo chí là tìm kiếm sự thật, nói lên sự thật, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Muốn vậy, báo chí phải có quan điểm, chính kiến rõ ràng, có tính định hướng cao, phải “xung trận” vào những vấn đề nóng bỏng, bức thiết của đời sống mà dư luận quan tâm. Mạng xã hội còn những thông tin sai lệch, thất thiệt thì đó chính là chỗ báo chí thể hiện vai trò, thế mạnh định hướng của mình. Báo chí phản ánh đúng bản chất sự thật, kịp thời, công chúng sẽ tin cậy và tìm đến. Nhưng sẽ là rất đáng ngại nếu mạng xã hội có những chuyện nói rất sai lệch, đẩy sự việc đi rất xa bản chất, rất cần phản bác mà báo chí lại im lặng, né tránh. Nếu cứ giữ “an toàn”, mũ ni che tai như thế, làm sao công chúng gửi gắm niềm tin?
Khi báo chí có công chúng thì sẽ có nguồn thu, sự chi trả của công chúng là chi trả bền vững nhất, bởi vì nó nói được tiếng nói của công chúng, nói được sự thật. Nhu cầu được biết của công chúng luôn rất cao, do đó nguồn thu của báo chí khi đáp ứng nhu cầu thông tin chính đáng ấy là rất dồi dào.
Tăng ngân sách cho truyền thông là cần thiết, nhưng mà chi tiền như thế nào lại là bài toán không dễ. Bởi vì cứ đếm đầu bài đặt hàng theo đúng quy định ngân sách hiện nay thì rất nhiều bài giống nhau, thậm chí Bộ, ngành tự chế bài cho đúng ý mình, rồi một bài đăng lên nhiều báo. Như thế sẽ tốn ngân sách mà hiệu quả không cao.
Thứ hai, truyền thông chính sách không phải là minh họa chính sách mà còn là phản biện để xây dựng và hoàn thiện chính sách. Các bộ ngành có đặt hàng những bài phản biện, những bài “chê” chính sách hay không? Nếu toàn bài khen, bài thông tin đơn thuần thì tiền đặt hàng chi ra, các chính sách sẽ triển khai băng băng trên báo, còn vướng mắc, ách tắc, chính sách thủ tục làm khó người dân và doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại bền lề truyền thông chính sách. Câu nói “muốn mua thịt lợn giá rẻ thì lên ti vi mà mua” vẫn là ví dụ nhức nhối khi truyền thông không phản ánh được thực tế, truyền thông minh họa xuôi chiều, thậm chí “tô hồng” cho chính sách.
Hay ví dụ về quy định “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được cộng điểm thưởng khi thi đại học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo được báo chí phát hiện khi kịp thời còn là dự thảo, được bỏ ra khỏi quy chế tuyển sinh mấy năm trước. Rõ ràng chính sách đó là xa thực tế, thiếu nhạy cảm chính trị, bị dư luận phản ứng. Nhưng việc phát hiện kịp thời, loại bỏ quy định đó là minh chứng báo chí đã tham gia phản biện, xây dựng chính sách hiệu quả. Điều đáng lo là vẫn còn tình trạng một vài cơ quan dự thảo chính sách “ngại” bị góp ý, cá biệt nếu ai có ý kiến phản biện thì không vui, thậm chí “dị ứng” và phản ứng!
Thực tâm lắng nghe ý kiến người dân, phát huy đội ngũ báo chí, nói thẳng, nói rõ thì sẽ tạo được sức mạnh. Còn nếu cứ muốn báo chí “hiền lành”, “dịu dàng” thì ngoài kia giông bão, ai sẽ đối diện với những dòng thông tin sai lệch, có chủ đích? Làm sao báo chí thể hiện được đúng vai trò, giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng như Đảng ta đã yêu cầu?
Thứ ba, cần xác định rõ ràng và phát huy tốt hơn vai trò của tạp chí, trong đó có tạp chí điện tử trong truyền thông chính sách. Hiện nay, cơ quan quản lý đang chia tạp chí làm hai loại: tạp chí khoa học và tạp chí chuyên ngành nhằm nhận diện và chống tình trạng báo hóa tạp chí. Câu hỏi đặt ra là cách phân chia đó liệu đã bao quát và thuyết phục vì về cơ bản, các tạp chí khoa học đều mang tính chuyên ngành và tạp chí chuyên ngành đương nhiên có thể đăng các bài nghiên cứu, trao đổi khoa học bên cạnh việc đưa tin!
Trên thực tế, tạp chí có ít nhất ba loại là tạp chí khoa học, tạp chí thông tin và tạp chí giải trí. Tạp chí khoa học của các Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo chuyên dùng để chuyển tải các công trình nghiên cứu khoa học thì đã rõ. Tạp chí thông tin của các đoàn thể, hiệp hội nghề nghiệp, tạp chí của các tổng cục như Thuế, Hải quan…, tạp chí của bộ, ngành như Tạp chí Tổ chức Nhà nước của Bộ Nội vụ…Những tạp chí này vừa chuyển tải tin tức, sự kiện của ngành, lĩnh vực, đồng thời có thể đăng các bài nghiên cứu, trao đổi trong lĩnh vực chuyên môn.
Bên cạnh đó, còn loại tạp chí thứ ba là Tạp chí giải trí. Đây là loại tạp chí rất phổ biến, rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng, không phải thông tin, càng không phải là khoa học. Chưa kể, còn các loại tạp chí có tính chất thương mại, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng, bất động sản…
Thực tế sinh động như vậy, nên việc “áp” tất cả tạp chí vào con đường hẹp là tạp chí khoa học và tạp chí chuyên ngành đang thể hiện những bất cập. Một loạt báo chuyển thành tạp chí nhưng nhân sự vẫn là các phóng viên viết bài phản ánh, làm sao chuyển ngay thành chuyên gia, nhà khoa học? Đơn cử, trong lĩnh vực báo chí kinh tế, những tờ báo như Thời báo Kinh tế Việt Nam, Diễn đàn doanh nghiệp hay Hải quan khi chuyển măng séc sang tạp chí thì vẫn chuyển tải thông tin không khác mấy so với khi còn là báo. Thực tế các quy định pháp luật của Việt Nam cũng không quy định tạp chí thông tin, tạp chí giải trí không được viết phóng sự điều tra hay đưa tin tức.
Tình trạng báo chí viết bài chống tiêu cực để trục lợi là không thể chấp nhận, cần được xử lý thật nghiêm minh và kiên quyết. Song khách quan mà nói, mấu chốt tiêu cực không nằm ở chỗ cơ quan đó là báo hay tạp chí mà ở chỗ thông tin có chính xác hay không, có động cơ đúng đắn hay không, có vụ lợi và mang tính chất tiêu cực, câu views, kích động hay không…Chẩn đúng bệnh, chúng ta sẽ kê được đơn thuốc đúng, thúc đẩy tạp chí phát triển lành mạnh, hiệu quả trên lĩnh vực truyền thông, trong đó có truyền thông chính sách.
Thứ tư, phải tăng tính hấp dẫn, khả năng tiếp cận công chúng của báo chí. Cách đây 3/4 thế kỷ, trong Thư gửi lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”…
Chúng ta vẫn luôn khẳng định báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu của xã hội. Đã là món ăn thì phải phải bổ, phải bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng đồng thời cũng phải ngon miệng. Nếu thực phẩm tuy bổ dưỡng nhưng khó nuốt, khô khan, thậm chí đắng ngắt thì nó là thuốc chữa bệnh mất rồi.
Chúng ta đang thực hiện truyền thông chính sách, coi truyền thông chính sách là một nội dung trọng tâm của truyền thông. Nhưng truyền thông còn là sản phẩm văn hóa, sản phẩm tinh thần, chuyển tải tri thức, tình cảm đa dạng từ cuộc sống. Để xây dựng được hệ sinh thái báo chí phát triển, báo chí phải bám rễ sâu vào đời sống nhân dân, nói được sự thật, thuyết phục được người dân.
Báo chí cách mạng phải “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”, phải vươn lên gánh vác trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân trên mặt trận thông tin. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ báo chí nhưng cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và hiệu quả thông tin. Quản lý không phải lúc nào cũng quá chi li mà quan trọng là phải tin cậy, tạo dư địa để báo chí phát huy trách nhiệm và sáng tạo. Thay đổi tâm lý này là không dễ nhưng đây mới là điểm nhấn quan trọng trong chính sách với truyền thông để truyền thông chính sách đạt hiệu quả như kỳ vọng.
PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa
- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
(theo Tạp chí điện tử Lý luận chính trị)