Phát huy vai trò của báo chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Sáng 26/6, Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức Tọa đàm 'Phát huy vai trò của báo chí truyền thông với việc tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gắn với cuộc vận động 'Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp'.
Báo chí góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa trên môi trường số
Tọa đàm nhằm phát huy trí tuệ, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến từ các tòa soạn báo, các chuyên gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp… trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2021 - 2025.
Đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành Ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, triển khai Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” giai đoạn 2022 – 2026 gắn với phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Phụ đô Lê Quỳnh Trang khẳng định, lịch sử văn hiến hơn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, văn hóa ẩm thực…
Các thế hệ người Hà Nội luôn tự hào về giá trị truyền thống, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, ứng xử giữa người với người.
“Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong đó không thể thiếu công tác tuyên truyền trên hệ thống báo chí, truyền thông” – bà Lê Quỳnh Trang nhấn mạnh.
Theo các tham luận tại tọa đàm, trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long, người Hà Nội đã kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, phẩm chất thanh lịch, tinh tế. Đó chính là những giá trị văn hóa góp phần xây dựng nên một Hà Nội được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, trở thành niềm tự hào của cả nước.
Gần 20 tham luận, bài phát biểu được trình bày, gửi đến tọa đàm đều được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng cho thấy trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tọa đàm đã thảo luận 2 vấn đề: vai trò của báo chí truyền thông trong tuyên truyền Chương trình 06//CT-TU và Chỉ thị 30/CT-TU về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; hiệu quả của công tác báo chí truyền thông trong xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, Cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp" đã làm rõ vai trò, mối quan hệ giữa báo chí và việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng người phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, trong đó chú ý đến việc tăng cường phổ biến, giáo dục giá trị rộng rãi trên mọi phương tiện truyền thông truyền thống (báo chí, phát thanh, truyền hình) và truyền thông mới (website, mạng xã hội trên internet...) kết hợp với các kênh truyền thông khác (pano, áp-phích, các điểm công cộng, phương tiện giao thông), đa dạng hóa phương thức tuyên truyền trên báo chí...
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị khẳng định, báo chí có vai trò quan trọng trong xây dựng chuẩn mực văn hóa trên môi trường số, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Báo chí cũng đã phát hiện, phản ánh và lên tiếng mạnh mẽ trước nhiều hiện tượng, hành vi thiếu chuẩn mực, qua đó cảnh báo về sự xuống cấp trong ứng xử văn hóa.
“Báo chí là một phần của văn hóa, mỗi sản phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa. Với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, báo chí đã góp phần rất lớn trong việc định hình và lan tỏa giá trị văn hóa trong xã hội, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Bằng tình cảm và trách nhiệm với Thủ đô, các cơ quan báo chí đồng hành và tiếp tục phát huy vai trò quan trọng định hướng, truyền cảm hứng, lan tỏa, nhân lên những giá trị văn hóa tốt đẹp, văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng như văn hóa con người Việt Nam” – PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô
Nhiều năm qua, vai trò của báo chí truyền thông trong việc tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gắn với cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”. Các tòa soạn báo, các cơ quan, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp… đã có những học hỏi lẫn nhau về cách làm hay, góp phần đắc lực hơn nữa trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Theo Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Thanh Vân, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới nói chung theo định hướng của Đảng và xây dựng người phụ nữ Việt Nam nói riêng theo phát động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một công việc không dễ, ngay cả khi các tiêu chí đã được xác định rõ ràng.
"Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” là sự cụ thể hóa của các Chương trình, Chỉ thị xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Mỗi chặng đường thành công của Cuộc vận động đều ghi nhận sự vào cuộc tuyên truyền của báo chí truyền thông" - bà Hà Thị Thanh Vân chia sẻ.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học, Đảng bộ Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực và động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tập trung tuyên truyền sâu rộng những nội dung của Cuộc vận động đến các đối tượng phụ nữ thông qua nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, gắn với việc tuyên truyền 2 Quy tắc ứng xử của Thành phố và phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, với 4 tiêu chí: có tri thức; có đạo đức; có sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
"Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” đã được triển khai, nhân rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng thực hiện các phong trào thi đua và nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội. Nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân Thủ đô được nâng lên rõ rệt, góp phần vào việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” - ông Phạm Thanh Học nhấn mạnh.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học mong rằng, các cơ quan báo chí T.Ư và Hà Nội tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò quan trọng của công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước. Trong đó nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới.
Để việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt hiệu quả, công cuộc tuyên truyền có vai rất quan trọng, đặc biệt là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong hệ thống báo chí của T.Ư và Thành phố. Xác định tầm quan trọng đó, Thành phố Hà Nội đã tổ chức Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” năm 2024 - lần thứ VII nhằm mục đích xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.