Phát huy vai trò của các HTX dịch vụ nông nghiệp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Cánh đồng màu của thôn Đồng Đội, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn trước đây chỉ được bà con nông dân trồng ngô thương phẩm, khoai lang, thậm chí nhiều thửa còn bị bỏ hoang do các hộ dân không có lao động, nên giá trị sản xuất đạt thấp.
Diện tích trồng dưa hấu của các xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Lĩnh, xã Nga Lĩnh (Nga Sơn).
Thế nhưng, từ năm 2017, cánh đồng này đã được khoác lên một màu áo mới, đó là màu xanh của dưa hấu, hành gia vị, khoai lang... từ đó giá trị sản xuất tính đến cuối năm 2018 đạt bình quân 150 triệu đồng/ha/năm, tăng 70 triệu đồng/ha/năm so với năm 2015. Để có được kết quả nổi bật đó phải nói đến sự đóng góp quan trọng của HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Lĩnh.
Nhớ lại quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Lĩnh chia sẻ: Để chuyển đổi được vùng đất trồng màu có diện tích gần 20 ha của thôn Đồng Đội là cả một sự khó khăn. HTX đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con xã viên mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những loại cây rau màu mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thế nhưng, ban đầu đa phần các hộ dân đều từ chối. Để chứng minh được việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng đắn, hiệu quả, HTX đã tiên phong chuyển đổi hơn 2 ha trồng ngô thương phẩm sang trồng dưa hấu, dưa lê. Vụ dưa đầu tiên trên vùng đất mới, quả nào cũng to, tròn, căng mọng, ngọt đậm. Vì thế được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ tốt, thu nhập đạt 220 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả của mô hình đã được HTX phổ biến đến các xã viên và đông đảo hộ dân trong xã. Được mắt thấy, tai nghe về hiệu quả kinh tế của mô hình chuyển đổi, nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu giá trị, phù hợp với điều kiện canh tác và nhu cầu của thị trường theo sự hướng dẫn, định hướng của HTX. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân thực hiện chuyển đổi, để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho diện tích chuyển đổi, HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Lĩnh còn chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân và là đơn vị trung gian kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở thu mua với các hộ dân.
Ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, HTX đã phát huy tối đa vai trò là bà đỡ, đơn vị kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm. HTX đứng ra ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, sau đó hướng dẫn, đôn đốc các hộ dân thực hiện sản xuất các loại cây trồng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đồng thời, giám sát quá trình chăm sóc, bảo vệ cây trồng theo đúng quy trình kỹ thuật, để sản phẩm đạt năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều năm qua, các hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm luôn được HTX thực hiện chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, việc chuyển đổi từ cây trồng này sang cây trồng khác theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện, HTX đang liên kết với 7 doanh nghiệp để sản xuất và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã. Theo đó, hàng năm có khoảng 230 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của xã được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, giá trị sản xuất ước đạt 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm.
Trên chỉ là 2 trong số nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy vai trò của mình trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững cho diện tích sản xuất được chuyển đổi cây trồng. Thông qua việc hoạt động của các HTX cũng cho thấy tầm quan trọng của các HTX dịch vụ nông nghiệp trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói riêng và phát triển nông nghiệp nói chung. Vì vậy, để tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp trọng tâm, như: Đổi mới công tác quản lý, điều hành, nâng cao trình độ quản lý của cán bộ; chủ động trong việc tìm nguồn vật tư nông nghiệp chất lượng, góp phần làm lợi cho xã viên; chủ động tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng kinh tế.