Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên đồn Biên phòng trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và xóa đói, giảm nghèo bền vững
Trên suốt dải biên cương của Tổ quốc, nơi địa bàn biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, dân cư phân tán, trình độ dân trí không đồng đều thì việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nâng cao đời sống cho nhân dân được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên đồn Biên phòng đã không ngừng phát huy vai trò tiên phong, “ba bám, bốn cùng” với nhân dân, tham gia củng cố tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" người lính quân hàm xanh nơi phên giậu Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú giúp người dân thu hoạch lúa. Ảnh: Ngọc Quý
Cầu nối của Đảng giữa vùng biên gian khó
Thực tiễn từ cơ sở cho thấy, hệ thống chính trị tại nhiều xã biên giới vẫn còn đối mặt với những khó khăn mang tính cơ cấu và đặc thù vùng miền. Không ít địa phương rơi vào tình trạng thiếu hụt cán bộ chủ chốt, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số có uy tín, am hiểu phong tục, ngôn ngữ và đời sống văn hóa bản địa. Trình độ dân trí chưa đồng đều, sinh hoạt chi bộ ở một số thôn, bản còn hình thức, vai trò hạt nhân lãnh đạo chưa được phát huy hiệu quả... Đây là những thách thức lớn đặt ra trong công cuộc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, toàn diện.
Trước thực trạng đó, những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 8/10/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP về việc phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách, giúp đỡ các hộ gia đình ở khu vực biên giới, các đơn vị BĐBP đã bố trí cán bộ, đảng viên trực tiếp tham gia sinh hoạt cùng chi bộ thôn, bản; điều động, tăng cường cán bộ đủ phẩm chất chính trị, năng lực công tác giữ các vị trí chủ chốt tại địa phương.
Việc “cắm bản”, “ba bám, bốn cùng” với nhân dân đã trở thành phương châm hành động nhất quán của cán bộ, đảng viên Biên phòng. Từ mỗi hộ dân được đảng viên phụ trách giúp đỡ đã hình thành những “tế bào” chính trị - xã hội lành mạnh, góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho hệ thống chính trị ở cơ sở. Qua đó, mô hình này còn giúp cán bộ Biên phòng trở thành những “cầu nối" vững chắc, trực tiếp truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng đến từng hộ, từng bản, góp phần làm sáng rõ vai trò "đội quân công tác" giữa thời bình nơi biên cương Tổ quốc.
Thiếu tá Lò Ngọc Quý, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở đã và đang được đơn vị triển khai một cách thực chất, đồng bộ và có chiều sâu. Đến nay, đơn vị đã phân công 18 đảng viên trực tiếp tham gia sinh hoạt tại 16 chi bộ thôn, đặc biệt là ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Bên cạnh đó, 27 đảng viên được phân công phụ trách 124 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần tạo dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, nâng cao chất lượng bám nắm địa bàn, đồng hành cùng bà con trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới”.
“Chúng tôi luôn xác định việc đảng viên phụ trách hộ nghèo không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ đời sống vật chất, mà còn là quá trình gieo mầm niềm tin, nâng cao nhận thức chính trị, pháp luật, vận động bà con tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ tập tục lạc hậu. Đây là những "cánh tay nối dài" của BĐBP trong xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở" - Thiếu tá Lò Ngọc Quý cho biết thêm.
Ông Lầu Mí Thà, thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Sự có mặt của cán bộ, đảng viên đồn Biên phòng tại các thôn, bản không chỉ giúp người dân chúng tôi tiếp cận rõ hơn với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn hỗ trợ thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Các anh luôn gần gũi, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ con giống, cây trồng, kịp thời giúp đỡ khi gia đình gặp khó khăn. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo trong bản đã vươn lên, tinh thần đoàn kết, an ninh trật tự luôn được giữ vững".

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh thường xuyên bám nắm địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đề xuất những giải pháp sát thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con khu vực biên giới. Ảnh: Thuận Nguyễn
Từ củng cố chính trị đến giữ vững thế trận Biên phòng toàn dân
Ngoài tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều cán bộ Biên phòng còn là thành viên trong các tổ hòa giải, ban mặt trận thôn, bản, góp phần giải quyết các tranh chấp đất đai, dòng họ, hôn nhân, tín ngưỡng... với tinh thần “dân vận khéo”, mềm dẻo, kiên trì, tạo nên hiệu ứng tích cực trong lòng dân. Không chỉ là cán bộ "trực tiếp", cán bộ BĐBP còn tích cực tham gia trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư. Từ sự hỗ trợ của BĐBP, nhiều chi bộ vùng sâu, vùng xa từng "trắng đảng viên", nay đã có tổ chức Đảng hoạt động nền nếp, trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Thuận, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh, BĐBP tỉnh Đồng Nai chia sẻ: "Việc phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình trên địa bàn biên giới không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là trách nhiệm, tình cảm với nhân dân. Mỗi đảng viên được giao phụ trách từ 4 đến 6 hộ, thường xuyên đến nhà dân nắm bắt tâm tư, đời sống, kịp thời giúp đỡ khi có khó khăn về y tế, giáo dục, sản xuất. Kết quả rõ nhất là nhiều hộ nghèo đã dần thay đổi tư duy sản xuất, biết áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập. Từ những mối quan hệ gắn bó ấy, chúng tôi cũng phát hiện được nhiều quần chúng tích cực, có uy tín, có khả năng tuyên truyền, vận động cộng đồng. Sau một thời gian bồi dưỡng, giúp họ tiếp cận và hiểu sâu hơn về tổ chức Đảng, nhiều người đã trở thành đảng viên mới, góp phần trẻ hóa, làm mới các chi bộ thôn, ấp ở vùng sâu, vùng xa".
Trong bối cảnh mới, khi yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng đặt ra cao hơn, tinh thần "ba bám, bốn cùng" của người lính Biên phòng vẫn tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho hệ thống chính trị cơ sở ở địa bàn khu vực biên giới, hải đảo. Chính sự kiên trì bám nắm địa bàn, thấu hiểu tâm tư của người dân, gắn lý luận với thực tiễn, gắn lòng dân với ý Đảng đã tạo nên sức mạnh to lớn để mỗi "pháo đài chính trị" nơi biên giới ngày càng được củng cố vững chắc.