Phát huy vai trò của Công an Nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch: Kỳ 1: Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch

BHG - Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, mạng xã hội dẫn đến việc tán phát, đưa tin giả, tin sai sự thật với các quan điểm sai trái, thù địch trở nên rất dễ dàng, độ lan tỏa rộng, thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có sự “đan cài” khéo léo “thực giả lẫn lộn” nội dung xuyên tạc nhằm làm lung lay nhận thức, tư tưởng, niềm tin của quần chúng Nhân dân, thậm chí là cán bộ, đảng viên vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.

Trên không gian mạng người đọc dễ dàng bắt gặp các trang thông tin, bài viết, video, hình ảnh… thể hiện nhiều quan điểm khác với nội dung thông tin được truyền tải trên các kênh chính thống. Làm thế nào để nhận diện được quan điểm sai trái, thù địch sẽ là câu hỏi mà chúng ta phải giải quyết đầu tiên.

Lực lượng Công an Hà Giang triển khai bộ bích trương học tập lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an.

Lực lượng Công an Hà Giang triển khai bộ bích trương học tập lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an.

Trước hết là quan điểm sai trái, về mặt lý luận quan điểm sai trái là ý kiến của một cá nhân hay nhóm người, chứa đựng những thông tin phản ánh không đúng về sự vật, hiện tượng, thực tiễn chính trị xã hội. Về đặc điểm, quan điểm sai trái thiếu cơ sở khoa học, phản ánh nhận thức lệch lạc về lý luận, thực tiễn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên như: Năng lực tư duy hạn chế, thiếu phương pháp tiếp cận, thiếu thông tin hoặc do thành kiến chủ quan của con người. Tuy nhiên về cơ bản là do hạn chế nhận thức, họ không hiểu hết vấn đề, bản chất vấn đề, sự việc nên đưa ra quan điểm và cho nó là đúng dù thực chất là sai. Mặt khác do chủ thể đưa ra quan điểm có thể bất đồng về lợi ích với một đối tượng hay một lớp đối tượng nào đó, dù chưa đến mức thù địch nhưng khiến họ cố tình đưa ra các quan điểm sai trái để mang lại lợi ích, danh vọng cho cá nhân. Trong đó điển hình là những người không thừa nhận nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc rường cột, xuyên suốt toàn bộ quá trình xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng giúp xây dựng Đảng thành một tổ chức chặt chẽ, vừa có tính chiến đấu cao, vừa phát huy sức mạnh tổng hợp. Họ cho rằng đã tập trung thì không thể dân chủ, từ đó khẳng định rằng sự độc đoán, chuyên quyền là tính chất đặc hữu của Đảng cộng sản. Đó là một dạng của quan điểm sai trái.

Thứ hai là quan điểm thù địch, về mặt lý luận đó là quan điểm đánh giá, nhìn nhận sai trái đối lập về lập trường, lợi ích giai cấp, quốc gia dân tộc. Quan điểm thù địch là cấp độ cao hơn của quan điểm sai trái, luôn theo hướng đối lập, thù địch. Người có quan điểm thù địch thường là những kẻ có thù hận giai cấp, lịch sử chống phá, họ đưa ra quan điểm mà không cần căn cứ vào thực tiễn, lịch sử, bất chấp đúng sai, bao gồm cả những nhận định, kết luận xuất phát từ các thông tin bịa đặt, xuyên tạc với mục đích duy nhất là phá hoại thành quả cách mạng với quốc gia, dân tộc.

Nắm tình hình, đảm bảo an ninh trên không gian mạng.

Nắm tình hình, đảm bảo an ninh trên không gian mạng.

Ngoài ra, cũng cần chú ý vì ở cấp cơ sở sẽ thường gặp một luồng quan điểm nữa được gọi là “ý kiến khác”. Về lý luận, đây là những người có quan điểm không phủ nhận những thành tựu, ưu điểm của Đảng và chế độ nhưng do chưa đồng tình, bức xúc với các mặt còn hạn chế, yếu kém trong thực tiễn. Từ đó, họ muốn đề xuất một cách thức, phương pháp giải quyết, tuy nhiên cách thức, phương pháp đó lại có những điểm chưa đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Để phân biệt rõ ý kiến khác với quan điểm sai trái, thù địch cần xem xét kỹ động cơ của người đưa ra quan điểm, ý kiến. Mục đích của người đưa ra ý kiến khác không phải để chống Đảng, Nhà nước, mà họ xuất phát từ nhận thức của cá nhân với mong muốn xây dựng, đóng góp tích cực với cấp ủy đảng, chính quyền để làm tốt hơn, lãnh đạo, quản lý địa phương hiệu quả hơn.

Trước những luồng quan điểm trên, lực lượng Công an cần có sự nhìn nhận, phân tích, đánh giá chính xác từ đó đề ra cách ứng xử cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ và thực tiễn tại địa phương:

Đối với những người có quan điểm sai trái, một mặt phải làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời đấu tranh phản bác làm rõ sự sai trái của họ. Mặt khác cũng cần kết hợp giáo dục, vận động, thuyết phục, không đẩy họ về phía các thế lực thù địch, giúp cảm hóa họ để họ hiểu, trở về ủng hộ cấp ủy đảng, chính quyền.

Đối với những người có quan điểm thù địch, phải kiên quyết đấu tranh, phê phán mạnh mẽ, vạch trần bản chất phản động, âm mưu thâm độc của chúng. Cần sử dụng những luận chứng, luận điểm khoa học, thông tin, kết quả, thành quả phản ánh sự thật khách quan, đập tan lý luận, thông tin sai trái, thù địch mà chúng đăng tải, tuyên truyền. Kết hợp chặt chẽ với sự hiệp đồng nhiều lực lượng như lực lượng Ban chỉ đạo 35, cơ quan truyền thông, báo chí, người có uy tín,…nhằm gia tăng tiếng nói đồng thuận, bao vây, cô lập luồng quan điểm thù địch; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa tác động, ảnh hưởng xấu có thể lan tỏa.

Đối với những người có ý kiến khác, lực lượng Công an cần bình tĩnh, tôn trọng, sẵn sàng lắng nghe tâm tư với tinh thần cầu thị, nghiêm túc. Cần làm tốt công tác dân vận, “có lý, có tình”. Kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động, sẵn sàng tổ chức đối thoại công khai, dân chủ hoặc có văn bản trả lời thỏa đáng, phù hợp với nội dung họ đề xuất, tránh để người có ý kiến khác nảy sinh sự bất mãn. Không vội vã quy chụp, coi thường họ nhưng phải có định hướng, nhắc nhở họ thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, chế tài trong phát ngôn của địa phương, quy tắc ứng xử trên không gian mạng…

Có thể khẳng định, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài; không chỉ là việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước mà còn là của cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó có trách nhiệm hàng đầu của lực lượng CAND. Vì vậy, việc trang bị cho mỗi cán bộ, chiến sĩ những lý luận đúng đắn về quan điểm sai trái, thù địch chính là yếu tố đầu tiên quyết định thắng lợi trong trận chiến cam go, trường kỳ này.
-------------
Kỳ 2: Các loại hình quan điểm sai trái, thù địch phổ biến tác động vào địa bàn tỉnh

Bùi Tiến (Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/202405/phat-huy-vai-tro-cua-cong-an-nhan-dan-trong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-ky-1-nhan-dien-quan-diem-sai-trai-thu-dich-ed70eec/