Phát huy vai trò của cộng đồng trong giữ rừng
Những năm qua, xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, có nhiều giải pháp cụ thể, phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng, không chặt phá, xâm hại rừng.
Nói về công tác bảo vệ rừng, anh Bùi Đình Hải, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Toàn xã hiện có trên 5.300 ha rừng; trong đó, trên 3.000 ha rừng phòng hộ, gần 2.000 ha rừng sản xuất, gần 300 ha rừng ngoài quy hoạch; độ che phủ rừng đạt trên 51%, đứng thứ 3 toàn huyện. Nhiều năm qua, xã luôn tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; hướng dẫn nhân dân làm nương rẫy theo quy hoạch, thường xuyên kiểm tra, xác định các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy cao để có phương án phòng cháy kịp thời.
Hằng năm, UBND xã chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng đến đông đảo người dân; kiện toàn, củng cố 5 tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng với 100 thành viên; phát huy tốt vai trò nòng cốt của lực lượng dân quân và đoàn viên, thanh niên tại mỗi bản, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra với rừng.
Tuy là xã xa trung tâm huyện, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, địa bàn bị chia cắt bởi lòng hồ thủy điện Sơn La, nhưng xã vẫn thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong mùa khô năm 2021-2022, xã Pá Ma Pha Khinh đã tổ chức 6 hội nghị triển khai công tác bảo vệ rừng và PCCCR cấp xã, cấp bản thu hút 515 người tham gia; đã tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR giữa Chủ tịch UBND xã với cộng đồng 5 bản; bổ sung 50 biển cấm chặt phá rừng, cấm lửa rừng tại 5 bản; hướng dẫn 5 chủ rừng cộng đồng và 37 chủ rừng là hộ gia đình xây dựng phương án PCCCR; tổ chức trực bảo vệ rừng, PCCCR 24/7.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tổ đội bảo vệ rừng và PCCCR tại 5 bản trên địa bàn xã, đã yêu cầu các chủ rừng phát đường băng cản lửa tại những khu vực rừng phòng hộ xung yếu, dễ cháy lan vào mùa khô. Xã còn thường xuyên phối hợp với kiểm lâm kiểm tra tình hình xâm canh, dựng lán trại chăn nuôi trái pháp luật trên địa bàn xã; xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nhờ đó, nhiều năm nay trên địa bàn xã Pá Ma Pha Khinh không xảy ra vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, hay vụ cháy rừng nào.
Pá Le là bản có diện tích rừng nhiều nhất của xã Pá Ma Pha Khinh với gần 2.000 ha rừng tự nhiên. Năm qua, bản được chi trả 1,1 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Từ khoản tiền này, Ban Quản lý bản đã trích một khoản để tu sửa đường nội bản, trường học, thủy lợi...; hỗ trợ đội bảo vệ rừng và chia cho mỗi hộ 6 triệu đồng. Trưởng bản Mè Văn Ninh, cho biết: Bản có 148 hộ, 719 nhân khẩu, bản thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chủ động quản lý và bảo vệ rừng. Kiện toàn đội bảo vệ rừng gồm 15 người, thường xuyên tuần tra rừng. Diện tích rừng rộng, nên đội bảo vệ phải chia nhỏ ra nhiều tổ để tuần rừng. Mọi chế độ của thành viên trong đội được Ban quản lý bản họp lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân. Nhận thấy được tầm quan trọng của rừng, bà con dân bản không chặt phá rừng bừa bãi, nhiều năm nay chưa có vụ phá rừng, cháy rừng nào.
Mặc dù lượng mỏng, nhưng cán bộ kiểm lâm ở đây luôn nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Anh Phạm Quốc Trung, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, cho biết: Người dân trên địa bàn xã rất có ý thức trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có ở Pá Ma Pha Khinh, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các bản tuần tra, kiểm tra rừng, giám sát chặt chẽ việc nhân dân đốt nương; bổ sung công cụ chữa cháy cho các các tổ, đội PCCCR. Cùng với đó, quy hoạch việc sản xuất trên nương rẫy; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Vì người dân sinh sống nhờ rừng, hiểu rõ lợi ích của rừng, nên họ luôn quyết tâm chăm sóc, bảo vệ rừng, nhất là công tác PCCCR.
Giữ những cách rừng xanh tốt, Pá Ma Pha Khinh đang tăng cường mọi biện pháp quyết liệt bảo vệ rừng, quyết tâm hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại rừng; tiếp tục thực hiện các biện pháp lâm sinh phục hồi những diện tích rừng trọng điểm, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, góp phần làm xanh thêm những cánh rừng của địa phương.