Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ trong việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng ta mà còn phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của đội ngũ trí thức trong việc triển khai, áp dụng chủ trương, giải pháp thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào cuộc sống.

Quang cảnh Hội thảo.
Sáng 29/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Vai trò của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp Hội Việt Nam, trong việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam nhấn mạnh, để chỉ đạo việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW trong toàn hệ thống, Đảng ủy Liên hiệp Hội Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 16-KH/ĐULHHVN ngày 24/2/2025 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với quan điểm phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, nhiệt huyết của trí thức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn đời sống, sản xuất, tạo bước gia tăng hàm lượng khoa học, đưa khoa học công nghệ, chuyển đổi số thành lực lượng sản xuất quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Theo ông Phan Xuân Dũng, Hội thảo được tổ chức để lãnh đạo của các hội, các đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam trao đổi ý kiến nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW trong toàn hệ thống và đề ra biện pháp để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam nêu ý kiến, Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số quốc gia ra đời được cộng đồng trí thức khoa học và công nghệ, dư luận xã hội đánh giá cao và kỳ vọng khi Nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ làm thay đổi diện mạo về bức tranh kinh tế-xã hội đất nước.
Theo ông Tân, trong bối cảnh mới của Liên hiệp Hội Việt Nam, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, cần nhanh chóng nghiên cứu để điều chỉnh mô hình hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới, theo hướng mở rộng mô hình tổ chức tự quản và cơ chế tự chủ lấy đối tác là thị trường xã hội, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phục vụ yêu cầu của thị trường xã hội và cộng đồng doanh nghiệp để đưa nhanh khoa học và công nghệ phục vụ phát triển doanh nghiệp.
Về định hướng chính sách phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo (AI), TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ trí thức Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.
Để phát huy hiệu quả vai trò này, cần triển khai các chính sách đồng bộ, bao gồm: đầu tư vào giáo dục và đào tạo; chính sách thu hút và giữ chân nhân tài; hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trong kỷ nguyên số và AI, trí thức là lực lượng tiên phong trong kiến tạo tri thức mới, định hình chính sách và dẫn dắt chuyển đổi xã hội.
Việc phát huy vai trò trí thức không chỉ đòi hỏi đầu tư về nguồn lực, mà còn cần một sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy chính sách, từ hỗ trợ sang đồng hành, từ định hướng sang khai phóng, từ quản lý sang tạo điều kiện. Chính phủ cần nhìn nhận đội ngũ trí thức như đối tác chiến lược trong công cuộc phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và xây dựng tương lai quốc gia.
Theo TS Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt, xuất phát từ thực tiễn tổ chức và hoạt động cho thấy, các nhà khoa học trong các hội thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam phần lớn là cán bộ hưu trí, bên cạnh những thế mạnh về kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu… nhưng cũng đối mặt với một số thách thức khi tham gia thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Đó là khó khăn trong việc cập nhật kiến thức mới, các xu hướng và công nghệ mới; thiếu cơ chế để chủ động tham gia vào việc góp ý, tư vấn, phản biện cũng như chủ trì/tham gia thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo Nghị quyết số 57-NQ/TW do bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nhà nước khác có liên quan chủ trì thực hiện; các cơ chế thù lao, đãi ngộ cho việc thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện, giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức còn thấp, chưa tương xứng với năng lực thực hiện và chất lượng công việc...
Để Liên hiệp Hội Việt Nam, các hội thành viên và các nhà khoa học tham gia tích cực, hiệu quả vào việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ông Sơn đề nghị cần kịp thời sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW; ban hành cơ chế bảo đảm sự tham gia chủ động và có hiệu quả của Liên Hiệp hội Việt Nam, các hội thành viên và các nhà khoa học trong việc chủ trì, tham gia thực hiện các dự án, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nhà nước khác có liên quan chủ trì thực hiện.