Dấu ấn Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Trong toàn bộ tiến trình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, từ khi kế hoạch bắt đầu khởi xướng ở 'Tổng hành dinh' cho đến ngày toàn thắng là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó có vai trò quan trọng của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi vang dội. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, chẳng những khẳng định bản lĩnh và trí tuệ, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mà còn là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả của Đảng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Giải phóng dân tộc ở miền Nam; xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có vai trò to lớn của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Với Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam

Mặc dù, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27-1-1973), song đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược đối với Việt Nam. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1973) đã khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”[1]; phương hướng chiến lược của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là “ta phải mạnh trên cả ba mặt trận để thắng địch, buộc địch thi hành Hiệp định, đồng thời chủ động, chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn”[2].

Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21, các cơ quan chiến lược tập trung giúp Quân ủy Trung ương chuẩn bị chủ trương và những giải pháp lớn về quân sự mà trọng tâm là xây dựng Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.

Để giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh khởi thảo kế hoạch chiến lược trình Bộ Chính trị, tháng 4-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập “Tổ trung tâm”, gồm đồng chí Vũ Lăng - Cục trưởng Cục Tác chiến; Võ Quang Hồ và Lê Hữu Đức - Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp phụ trách. Sau những cuộc trao đổi, thảo luận, bản dự thảo kế hoạch chiến lược được “Tổ trung tâm” chỉnh lý, bổ sung lần thứ năm với tên gọi Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam sau vài ba lần thay đổi so sánh lực lượng, mang số 133/TG1, hoàn thành ngày 16-5-1974.

Ngày 18-7-1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với “Tổ trung tâm”, chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch cơ bản thành hai bước: Bước một, giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định, làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng trên chiến trường; bước hai, trên cơ sở đó tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: TTXVN

Căn cứ vào thực tế chiến trường, ý kiến chỉ đạo của các đồng chí trong Bộ Chính trị, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lắng nghe ý kiến của các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong quân đội, “Tổ trung tâm” tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh bản đề cương kế hoạch chiến lược. Bản đề cương này hoàn thành vào ngày 26-8-1974, mang tên Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam.

Ngày 30-9-1974, tại Tổng hành dinh, Bộ Chính trị thảo luận tình hình miền Nam và bản dự thảo kế hoạch chiến lược do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị. Hội nghị dành hai ngày đầu để nghe Bộ Tổng Tham mưu trình bày tình hình miền Nam và kế hoạch tác chiến chiến lược. Tiếp đó, đồng chí Lê Trọng Tấn báo cáo Dự thảo kế hoạch chiến lược quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng trong hai năm 1975-1976, trong đó tập trung vào kế hoạch chiến lược năm 1975.

Ngày 8-10-1974, phát biểu kết thúc phiên họp lần thứ nhất, trên cơ sở phân tích toàn bộ những vấn đề liên quan tới cuộc chiến tranh, đánh giá tương quan so sánh giữa ta và địch, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Ngay từ bây giờ, phải tiến hành chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và triệt để trong hai năm 1975-1976”[3].

Trên cương vị là Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định quyết tâm: Toàn quân sẽ kiên quyết thực hiện bằng được nhiệm vụ lịch sử mà đồng chí Bí thư thứ nhất thay mặt Đảng trao cho Quân đội.

Với đòn đột phá Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Nắm bắt và thực hiện chủ trương chiến lược của Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974, quân dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc bước vào giai đoạn chuẩn bị mới với nhịp độ khẩn trương hơn và quy mô rộng lớn hơn, nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình chiến trường miền Nam đang diễn biến hết sức mau lẹ.

Trong lúc Chiến dịch Đường 14 - Phước Long được triển khai và đang trên đà thắng lợi, ngày 18-12-1974, Bộ Chính trị họp đợt hai tại “Nhà con rồng” Bộ Quốc phòng. Trong ba ngày đầu, sau khi nghe đồng chí Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng trình bày dự thảo kế hoạch chiến lược đã được chỉnh sửa, bổ sung từ sau Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974, tất cả Ủy viên Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chiến trường đều có ý kiến phát biểu, trao đổi và đi đến nhất trí với phương án mà Thường trực Quân ủy Trung ương đề xuất: Chọn hướng tiến công chính Tây Nguyên, mục tiêu then chốt là Buôn Ma Thuột để mở màn cho cuộc tiến công chiến lược năm 1975.

Sự lựa chọn này xuất phát từ phương châm tác chiến của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đó là: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chỗ yếu trước, đánh chỗ mạnh sau. Mưu kế của Đại tướng là bày ra một hình thế giàn trận chiến lược - bày binh bố trận nhằm ghìm địch ở hai đầu Nam - Bắc chiến tuyến là Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng để tạo thế phá vỡ Tây Nguyên.

Đồng thời, Đại tướng đưa Quân đoàn 4 vào Bắc Đồng Nai, Quân đoàn 2 vào Huế. Hai quân đoàn này đứng ở đó buộc địch phải đưa Sư đoàn lính dù và Sư đoàn lính thủy đánh bộ - tổng dự bị chiến lược ra để giữ hai khu vực chiến lược quan trọng là Huế và Sài Gòn, có như vậy địch mới để sơ hở Tây Nguyên.

So với toàn bộ chiến trường miền Nam lúc bấy giờ, Tây Nguyên là nơi địch yếu hơn cả. Nhưng Tây Nguyên chỉ thực sự yếu khi bị cô lập với các chiến trường khác. Bởi vậy, việc kìm giữ các sư đoàn cơ động tổng dự bị chiến lược của địch là một bộ phận hợp thành quan trọng trong việc cài thế của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hơn nữa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn Tây Nguyên làm mục tiêu chủ yếu, vì đây vừa có núi, vừa có cao nguyên, lại nằm trên đường chiến lược Hồ Chí Minh. Ở Tây Nguyên, Đại tướng chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá vì Plâyku và Kon Tum địch còn tương đối mạnh và thường xuyên phòng bị; còn Buôn Ma Thuột địch sơ hở và ít quân, chủ yếu là hậu cứ; điểm trúng “huyệt” đó, toàn bộ Tây Nguyên và ven biển miền Nam Trung Bộ sẽ bị rung chuyển.

Ngoài ra, để tạo cho Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột mọi điều kiện thuận lợi giành chiến thắng một cách chắc chắn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tăng cường cho Tây Nguyên 2 sư đoàn, đưa tổng quân số ở đây lên tới 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập, lại có sự phối hợp của Sư đoàn 3 Sao vàng Quân khu 5 và có sự hỗ trợ của Đoàn 559. Đến đây, Tây Nguyên trở thành một quân đoàn mạnh.

Ngày 4-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Ngày 10-3-1975, quân ta tiến công Buôn Ma Thuột. Chiến thắng Buôn Ma Thuột và chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi không những tăng cường thế và lực cho ta mà còn xuất hiện thời cơ giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn nhất.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích tình hình: “Điểm trúng huyệt chí tử của địch ở Buôn Ma Thuột gây cho địch chấn động về chiến lược, buộc địch bỏ Tây Nguyên thì phải nhanh chóng đánh Huế và Đà Nẵng. Nếu ở đấy chúng phải rút lui chiến lược thì phải cấp tốc đánh thẳng vào Sài Gòn”.

Với phương châm chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, chắc thắng”, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Ngày 18-3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị lên Bộ Chính trị: “Hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm nay (1975)”. Tiếp đó, trong vòng 7 ngày từ 18-3 đến 25-3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích và đề đạt với Bộ Chính trị: Không cần đợi giải phóng xong Huế mới bắt đầu tấn công Đà Nẵng, phải đánh Đà Nẵng ngay, ở hướng Sài Gòn lực lượng ta đã đủ, yêu cầu trong tháng 5 phải giải quyết xong Sài Gòn.

Những nhận định và đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cơ sở quan trọng, để ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị họp, nhận định: “Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này; do đó, cần nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay. Bộ Chính trị quyết định: Quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (5-1975)”[4].

Ngày 26-3-1975, tại Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh triệu tập cuộc họp gồm các đồng chí Lê Trọng Tấn - Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà, Cao Văn Khánh - Phó Tổng Tham mưu trưởng, Nguyễn Bá Phát - Tư lệnh Hải quân, Phan Bình - Cục trưởng Cục Quân báo, Lê Hữu Đức - Cục trưởng Cục Tác chiến và một số đồng chí khác bàn kế hoạch tiến công Đà Nẵng.

Trên cơ sở phân tích các tình huống và phán đoán khả năng thực tế của địch trong thời điểm hiện tại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: Địch kêu gọi tử thủ, nhưng tình hình vẫn có thể diễn biến đột ngột, khả năng địch rút vẫn còn tồn tại. Vậy phải có phương án đánh thật nhanh, thực hiện đúng phương châm khẩn trương, táo bạo, bất ngờ[5]. Sau cuộc họp, nhân danh Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Chiến tranh đã chuyển sang giai đoạn phát triển nhảy vọt. Bố trí của địch ở Đà Nẵng tuy chưa đảo lộn, mặc dù chúng kêu gọi tử thủ, nhưng tinh thần quân lính đang suy sụp, cần nắm vững phương châm táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng, khẩn trương tiến công bao vây tiêu diệt địch…”[6].

Từ sự chỉ đạo sắc bén của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, bằng sự phối hợp tiến công đồng loạt giữa các mũi, các hướng trên toàn mặt trận, đến 15h ngày 29-3-1975, quân ta đã làm chủ căn cứ liên hợp Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và toàn tỉnh Quảng Đà. Thắng lợi này góp phần quan trọng đập tan một lực lượng quân sự lớn và bộ máy kìm kẹp của địch trên toàn bộ Quân khu 1 của chúng…, đẩy địch vào thế thất bại hết sức nghiêm trọng không gì cứu vãn nổi, thúc đẩy thế tiến lên tất thắng của quân và dân ta.

Đồng thời với chiến dịch và chiến thắng ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu làm kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Trong các dự thảo văn kiện kế hoạch, cơ quan ghi “nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, khi báo cáo Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải sửa ngay là “thần tốc”.

Ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh cho các cánh quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”[7]. Bức điện thảo bằng tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã trở thành văn kiện lịch sử, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ không quản khó khăn, gian khổ ngày đêm xốc tới giải phóng miền Nam, hoàn thành ước nguyện của cả dân tộc Việt Nam sau hơn 20 năm chiến đấu lâu dài gian khổ.

Ngày 14-4-1975, giữa lúc quân dân ta trên các hướng tiến công đang khẩn trương tạo thế, tạo lực cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị gửi đến Mặt trận bức điện số 37/TK vào hồi 19h: “Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”[8].

17h ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mở màn. 11h30 ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước kết thúc thắng lợi.

Chiến thắng này “…mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[9].

Trong toàn bộ tiến trình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, từ khi kế hoạch bắt đầu khởi xướng ở “Tổng hành dinh” cho đến ngày toàn thắng là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó có vai trò quan trọng của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ thể hiện ở việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực chuẩn bị các kế hoạch chiến lược, tham mưu trúng, đúng để Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra nhiều chủ trương, quyết định quan trọng, chính xác, mà còn thể hiện ở khả năng “nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ” để chỉ đạo toàn quân đánh những đòn quyết định giành thắng lợi cuối cùng, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, như Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: “Từ Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đến cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng Tư lệnh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu truyền thống tinh hoa của Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, chỉ huy lãnh đạo Quân đội ta giành thắng lợi vẻ vang cho dân tộc”[10].

............

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 34, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.232.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 34, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.239.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 35, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.172-185.

[4] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Việt Nam những sự kiện quân sự thế kỷ XX, Nxb QĐND, Hà Nội.2002, tr.505.

[5] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, tr.240, 242.

[6] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tập VIII, Toàn thắng, Nxb CTQG, Hà Nội.2013, tr.359.

[7] Điện số 157/ĐK: TK gửi lúc 0 giờ 30 phút ngày 7/4/1975, số lưu 450/ĐB.

[8] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tập VIII - Toàn thắng, Nxb CTQG, Hà Nội.2013, tr.426.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.471.

[10] Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, Tạp chí Xưa và Nay, Số 305, năm 2008, tr.6.

Thượng tá - TS Vũ Thành Trung, Thượng tá - TS Nguyễn Trung Thông (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dau-an-dai-tuong-tong-tu-lenh-vo-nguyen-giap-trong-dai-thang-mua-xuan-1975-700850.html