Phát huy vai trò của HTX trong cộng đồng giáo dân tại Nam Định
Cuộc sống của bà con Công giáo ở Nam Định đang khởi sắc và đổi thay rõ rệt từng ngày, đời sống người dân ngày càng được nâng cao... Đóng góp lớn trong việc giúp bà con Công giáo ở đây chính là các HTX có người Công giáo làm lãnh đạo.
Các HTX ở Nam Định đã phát huy vai trò thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người Công giáo, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đổi mới.
Giúp bà con Công giáo phát triển kinh tế với nghề nuôi thủy sản
Về xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường hỏi HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, không ai là không biết. Không chỉ bởi đây là cơ sở cung cấp thủy sản uy tín chất lượng mà còn vì vị Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX - ông Lê Văn Bản, 69 tuổi, là một trong những giáo dân gương mẫu, gương nông dân tiêu biểu, bản lĩnh vượt qua mọi rủi ro, thách thức, quyết tâm gây dựng nên HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa.
Gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản hơn 20 năm nay, tuy nhiên, bước ngoặt lớn phải kể đến thời điểm năm 2008, ông Bản chuyển từ mô hình nuôi tôm, cá sang nuôi cá lăng là chủ yếu và thêm một số loại cá chép, trắm đen, trắm cỏ..., mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cá phát triển tốt, nuôi đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó. Nhờ vậy, kinh tế gia đình luôn ổn định.
Là một thành viên của Giáo xứ Xuân Dương thuộc Giáo phận Bùi Chu, ông Lê Văn Bản hiểu rất rõ về truyền thống "Sống tốt đời, đẹp đạo" hay "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc" của người Công giáo. Với mong muốn giúp đỡ các hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương ổn định đầu ra, nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế, năm 2014, ông Bản thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa với 18 thành viên ban đầu tham gia, đến nay đã tăng lên 25 thành viên, với tổng diện tích sản xuất của HTX đã lên đến 25 ha. Hiện, HTX chủ yếu nuôi tập trung các đối tượng như cá lăng, trắm đen, trắm cỏ, chép; tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP.
Nhờ nguồn vốn từ Liên minh HTX Việt Nam, HTX đã đầu tư xưởng cấp đông, khu sơ chế đóng gói, hút chân không. HTX đã thử nghiệm hút chân không một số sản phẩm và gửi bán được phản hồi tốt.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa thổ lộ, với diện tích 25 ha, mỗi năm HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa cung ứng ra thị trường gần 500 tấn cá các loại và khoảng 8 tấn tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Tổng doanh thu của HTX đạt khoảng 25 tỷ đồng mỗi năm.
Là thành viên của HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, ông Ngô Quang Thanh cho hay, gia đình ông đang nuôi 1 ha cá các loại. Trước đây, khi chưa tham gia HTX, gia đình ông nuôi thủy sản hiệu quả thấp, dịch bệnh trên cá liên tục xảy ra, cuộc sống gia đình rất bấp bênh, thuộc hộ nghèo trong xã.
Nhưng, từ khi tham gia vào HTX, ông Thanh đã được HTX chia sẻ nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá, quy trình sản xuất VietGAP… Nhờ vậy, đàn cá phát triển ổn định, cho lãi cao, trung bình 180 triệu đồng/năm/ha. Thu nhập gia đình ngày càng tăng, cuộc sống ổn định.
Hiện nay, HTX không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho 25 thành viên là người Công giáo, bên cạnh đó, mỗi năm HTX tạo việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động mùa vụ khi vào thời điểm thu hoạch hoặc thau dọn ao, hồ.
Thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm
Không chỉ có HTX thủy sản Xuân Hòa ở huyện Xuân Trường, mà những năm qua, nhiều HTX trong vùng có đạo ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu của tỉnh Nam Định luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế xã hội ở vùng nông thôn.
Hải Chính là xã vùng ven biển của huyện Hải Hậu với 10 xóm và 5.700 nhân khẩu, trong đó hơn 80% dân số theo đạo. Trước năm 2014, xã có hơn 100ha đất với 80% hộ gia đình sản xuất muối. Thu nhập thấp nên người dân từng bước chuyển đổi sang nuôi trồng thủy, hải sản, cơ sở sản xuất, làm công nhân khu công nghiệp... Hiện, toàn xã chỉ còn hơn 100 hộ gia đình làm muối.
Tuy nhiên, từ khi HTX Hải Điền được thành lập đã vận động 13 gia đình, đa phần là người Công giáo cùng góp vốn, chuyển đổi mô hình từ sản xuất muối sang sản xuất, kinh doanh nuôi cá nước mặn. Anh Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX cho biết, với diện tích sản xuất 12,5 ha, HTX cải tạo thành 45 ao, đầm nuôi các loại cá nước mặn, nước lợ như: cá đối mục, cá thủ, cá vược; cá mú, tôm…
Trước đây, hầu hết các hộ gia đình làm nghề muối cũng chỉ đủ ăn hoặc dư dả không đáng kể. Từ khi tham gia vào HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX liên kết cung cấp giống, thức ăn và cả đầu ra nên thu nhập thành viên nâng lên, đời sống ngày một khấm khá.
Đến nay, bình quân mỗi thành viên HTX thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với làm muối. Ngoài ra, 12 hộ liên kết đánh bắt thủy hải sản cũng không phải lo đầu ra, từ đó thu nhập bình quân từ 400-600 triệu đồng/năm. Ngoài thành viên và hộ dân liên kết, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 12-15 lao động, thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Huỳnh Thái Phụng, Chủ tịch UBND xã Hải Chính cho biết, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,3% theo tiêu chí mới, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác bảo vệ môi trường nông thôn cũng được đảm bảo. Có được thành quả này nhờ sự đóng góp tích cực của HTX Hải Điền.
Hộ nghèo và cận nghèo giảm
Phần lớn đồng bào tín đồ Công giáo trên địa bàn tỉnh Nam Định làm kinh tế nông nghiệp. Những năm qua, hưởng ứng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhiều tín đồ Công giáo đã tham gia vào mô hình kinh tế tập thể, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, năng suất lao động và giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại các vùng ven biển như giáo xứ Quần Vinh, giáo xứ Ninh Hải (huyện Nghĩa Hưng), giáo xứ Phú Ninh (huyện Giao Thủy)..., các HTX cũng được thành lập nhằm tập hợp đồng bào giáo xứ sản xuất nông nghiệp một cách bài bàn. Từ mô hình kinh tế tập thể này, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Điển hình như HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp (xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy) là một trong những HTX tiêu biểu của tỉnh Nam Định. Năm 2022, HTX vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, giúp đỡ nhiều nông dân xóa đói, giảm nghèo…
Anh Vũ Tuấn Hiệp, Giám đốc HTX Tuấn Hiệp cho biết, hiện nay, HTX đang ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi, mộc nhĩ… trên diện tích hơn 3.000m2. Trong đó, nấm đùi gà, nấm sò là 2 dòng nấm chủ lực của HTX.
Trung bình, mỗi năm HTX Tuấn Hiệp cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại; với giá bán trung bình 160.000 đồng/kg mộc nhĩ khô, 800.000 đồng/kg nấm linh chi khô, 35.000 - 40.000 đồng/kg nấm sò tươi, 50.000 đồng/kg nấm đùi gà tươi…
Hiện nay, HTX Tuấn Hiệp đang tạo công ăn việc làm cho 12 lao động chính thức và 10 lao động thời vụ.
Theo Giám đốc Vũ Tuấn Hiệp, thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu trong và ngoài tỉnh. Tổng doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về chiếm trên 80%.
Hiện nay, nhiều gia đình đồng bào Công giáo từ nghèo đói đã vươn lên thoát nghèo và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế. Theo thống kê của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định, trên địa bàn tỉnh hiện có 36.847 hộ giàu là người Công giáo (tăng 2.815 hộ so với giai đoạn 2007 - 2012); 54.310 hộ khá, tăng 20.244 hộ; hộ cận nghèo và nghèo (theo tiêu chí mới) giảm còn 9.438 hộ.