Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong xây dựng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

ĐTO - Tổng kết lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại tỉnh Đồng Tháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, những năm đầu đổi mới, công tác vận động quần chúng còn nhiều hạn chế. Một số nơi chưa nhận thức đúng và đầy đủ vai trò của quần chúng, chưa quan tâm đúng mức nguyện vọng chính đáng của quần chúng và động viên quần chúng thực hiện nghĩa vụ; thiếu chú ý đến nhu cầu, quyền lợi chính đáng của Nhân dân... từ đó, làm giảm lòng tin của một bộ phận người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Trước tình hình đó, cùng với sự phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đổi mới toàn diện của Đảng, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) các cấp trong tỉnh có nhiều đổi mới, phát huy hiệu quả; phương thức, nội dung hoạt động được quan tâm đổi mới phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp hiệu quả và thiết thực vào sự phát triển của tỉnh.

Ban Công tác Mặt trận các ấp của xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành thường xuyên vận động người dân duy trì dọn dẹp, tạo cảnh quan các tuyến đường trên địa bàn xã (Ảnh: CTV)

Ban Công tác Mặt trận các ấp của xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành thường xuyên vận động người dân duy trì dọn dẹp, tạo cảnh quan các tuyến đường trên địa bàn xã (Ảnh: CTV)

Điểm nổi bật là vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả. Nội dung giám sát được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những vấn đề được Nhân dân quan tâm, các quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhiều tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực; hình thức giám sát đa dạng. Trong 10 năm qua (2013 - 2023), Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các nội dung giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH; trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì giám sát 63 cuộc, các tổ chức CT-XH tỉnh chủ trì giám sát 112 cuộc, Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH cấp huyện chủ trì giám sát 176 cuộc; Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH cấp xã chủ trì giám sát 1.116 cuộc.

MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp trong tỉnh đã tích cực vận động Nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Song song đó, MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp thường xuyên phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền cùng cấp về tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, tổ chức đảng, các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để có giải pháp khắc phục phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân.

Công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp trong tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các chương trình, đề án lớn của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế tập thể, đề án, dự án hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp, du lịch, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giảm nghèo... Kịp thời đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống để người dân cùng với tỉnh hăng hái trong lao động sản xuất. Nổi bật là đã phát huy vai trò “Tự lực - Chăm chỉ - Hợp tác” trong Nhân dân; nâng cao vai trò quản trị địa phương của người dân thông qua các mô hình tự quản như: mô hình Người nông dân chuyên nghiệp, Tổ Nhân dân tự quản, Tổ tự quản đường biên mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới, mô hình Không gian đại đoàn kết... Từ đó, người dân tích cực tham gia thực hiện tốt Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng, góp phần làm chuyển mạnh mẽ từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; tạo cơ hội, điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ những kết quả nêu trên, lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước được tăng lên; việc phát huy dân chủ cơ sở có sự chuyển biến tích cực, góp phần động viên quần chúng tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh thẩm thấu vào đời sống người dân... Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của một số MTTQ và các tổ chức CT-XH, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở cơ sở chưa đồng đều, chậm đổi mới phương thức hoạt động, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp ủy, hoạt động còn nặng về hình thức, mang tính hành chính. Nguyên nhân của hạn chế là do công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương và một số tổ chức CT-XH chưa chặt chẽ, nhịp nhàng; còn tình trạng né tránh trách nhiệm.

Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, MTTQ và các tổ chức CT-XH, tổ chức xã hội nghề nghiệp và Nhân dân trong toàn tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Phối hợp củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hiệu quả công tác dân vận, dân vận chính quyền, Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo không đúng quy định. Đồng thời phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong thu thập ý kiến đánh giá từ doanh nghiệp và người dân đối với quá trình triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để kịp thời điều chỉnh chủ trương phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân; tiếp tục triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Phú Nghĩa

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/phat-huy-vai-tro-cua-mat-tran-to-quoc-va-cac-doan-the-trong-xay-dung-phat-trien-kinh-te-thi-truong--119674.aspx