Phát huy vai trò của mặt trận trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh vừa triển khai kế hoạch thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) năm 2023. Trong đó, MTTQ các cấp tập trung giám sát và khuyến khích, động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò giám sát
Kế hoạch nêu rõ, trong năm 2023, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC; theo dõi, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, người lao động. Kiến nghị thực hiện tốt cơ chế bảo vệ, tôn vinh và khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực trong công tác PCTN, TC. Lồng ghép nội dung tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ cho cán bộ của ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác PCTN, TC. Tăng cường tuyên truyền về các nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan đến PCTN, TC; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; các kết quả đạt được của Đảng và Nhà nước, ban chỉ đạo trung ương, của tỉnh trong công tác PCTN, TC; tuyên truyền, biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác PCTN, TC.
Trong năm 2023, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật về PCTN, TC và về các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như: Chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên; công tác cán bộ; các quy định liên quan đến cơ chế phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân, thủ tục hành chính; tài chính công... Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu của các cơ quan soạn thảo, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội có thể tiến hành phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đoàn viên, hội viên theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và các văn bản có liên quan góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, khắc phục “khe hở”, giảm thiểu việc lợi dụng chính sách, pháp luật làm nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.
Để chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, góp phần PCTN, TC, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ: Năm 2023, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện công tác giám sát theo hướng đổi mới, hiệu quả, thực chất và chủ động; nội dung giám sát bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề lớn, quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ chủ trì giám sát: Việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của cử tri của các tổ đại biểu HĐND tỉnh và việc thực hiện chương trình hành động của từng đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026; giám sát việc thực hiện một số chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm quốc gia, dự án lớn trên địa bàn tỉnh…
Chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát huy vai trò của mình cũng như tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia công tác PCTN, TC. Trong đó, nổi bật là tham gia giám sát và phản biện xã hội nhiều vấn đề nóng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và đảm bảo quyền, lợi ích của Nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia góp ý 165 dự thảo của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh; giám sát 332 chuyên đề. Qua hoạt động giám sát, đoàn giám sát đánh giá kết quả thực hiện các nội dung theo chuyên đề giám sát, xác định những tồn tại, vướng mắc và có văn bản kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét giải quyết; theo dõi thường xuyên và giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát. Đồng thời, ban thường trực ủy ban MTTQ các cấp cũng đã chủ trì tổ chức phản biện 226 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức đối thoại đối với các dự án lớn ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhân dân như Hồ Suối Cái ở huyện Phú Hòa; dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025… Các ban thanh tra nhân dân còn tổ chức giám sát 186 cuộc, chủ yếu giám sát các công trình phúc lợi xã hội ở các địa phương, hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức, đã kiến nghị xử lý 38 vụ việc, được cơ quan có thẩm quyền giải quyết 38 vụ việc; các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 391 cuộc, chủ yếu là các công trình đầu tư trực tiếp cho xã như nhà văn hóa thôn, hệ thống kênh mương nội đồng…
Công tác giám sát, phản biện xã hội là phương thức để Nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là hoạt động quan trọng nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Nhân dân, vì Nhân dân. Từ đây cũng khẳng định vai trò của MTTQ các cấp tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong PCTN, TC.
Là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, ông Lê Minh Thơ, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TX Sông Cầu, chia sẻ: Ủy ban MTTQ TX Sông Cầu thường chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc, liên quan trực tiếp đến đời sống bà con để kiểm tra, giám sát. Ví như hiện nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận TX Sông Cầu được người dân quan tâm nên mới đây MTTQ thị xã đã tổ chức đoàn công tác để nắm bắt tình hình Nhân dân bị ảnh hưởng thực hiện bởi dự án. Trên cơ sở đó, chúng tôi kịp thời tuyên truyền, vận động cũng như nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết…”.
Từ thực tiễn và mục tiêu, đấu tranh PCTN, TC, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây nhiều bức xúc trong Nhân dân; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Kinh nghiệm hay từ các địa phương cho thấy, để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, mặt trận các cấp cần đa dạng hóa hình thức để vận động Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Trong đó, không thể làm dàn trải mà cần phải theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện xử lý các vụ việc, nội dung có trọng tâm, trọng điểm.
Trên cơ sở kế hoạch PCTN, TC năm 2023 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ rõ ràng, chú ý công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị đối với công tác PCTN, TC để góp phần cùng với cả tỉnh thực hiện quả công tác PCTN, TC.