Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội

Những năm qua, công tác phối hợp giữa ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) trên địa bàn tỉnh với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Trị ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh -Ảnh: M.L

Ký kết chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh -Ảnh: M.L

Cầu nối” người dân với tín dụng chính sách

Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đang thực hiện ủy thác vốn cho vay qua 4 tổ chức CT-XH (phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh và đoàn thanh niên) với dư nợ vay gần 5.065.575 triệu đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ tại đơn vị. Thông qua hoạt động ủy thác, nguồn vốn ưu đãi của nhà nước đã đến tận tay hàng chục nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách thuận tiện nhất.

Để thực hiện tốt các nội dung ủy thác, hội, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh đều phân công cán bộ phụ trách hoặc cán bộ chuyên trách theo dõi, thực hiện việc ủy thác với các phòng giao dịch ngân hàng CSXH. Đồng thời thành lập mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại 100% thôn, bản, khối phố để hoạt động cho vay, thu nợ diễn ra nhanh chóng, kịp thời.

Việc ủy thác một số nội dung công việc cho 4 tổ chức CT-XH để triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn được thực hiện một cách bài bản, thông suốt từ tỉnh đến huyện trên cơ sở các văn bản thỏa thuận, văn bản liên tịch được ký kết giữa 2 bên.

Thông qua các tổ TK&VV tại các thôn, khu phố, các tổ chức CT-XH nhận ủy thác chính là cầu nối, chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với người dân. Hình thức ủy thác một phần công việc cho các tổ chức CTXH trong quản lý vốn tín dụng ưu đãi là nhằm công khai hóa, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Với dư nợ cho vay 170,6 tỉ đồng, 2.299 hộ vay vốn, hiện nay, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Vĩnh Linh là đơn vị có doanh số cho vay cao nhất Hội CCB tỉnh. Theo ông Trần Thanh Chương, Chủ tịch Hội CCB huyện, sở dĩ đạt được kết quả trên là vì Ban Thường vụ Hội CCB huyện luôn bám sát nội dung ủy thác, nghị quyết của ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH huyện, các văn bản chỉ đạo của ngân hàng và hội cấp trên, từ đó chỉ đạo cơ sở hội, các tổ TK&VV trực thuộc hội quản lý thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác.

“Hội luôn quan tâm đến việc tập huấn nghiệp vụ ghi chép, lưu giữ giấy tờ, sổ sách liên quan đến hoạt động thu nộp tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm của hộ vay. Tại các cuộc họp tổ TK&VV, cán bộ CCB lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thành viên vay vốn, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng vốn có hiệu quả cao để phát triển kinh tế hộ gia đình”, ông Chương cho hay.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Trần Thị Thu, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị số 40), đến nay đã có 29.414 lượt khách hàng là người dân và đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ các chương trình vay vốn tín dụng CSXH qua kênh đoàn thanh niên.

Hiện có nhiều chương trình tín dụng ngân hàng CSXH đang triển khai mà đối tượng được hưởng lợi chủ yếu đoàn viên, thanh niên. Tiêu biểu như chương trình cho vay giải quyết việc làm, tạo việc làm cho người lao động, cho vay xuất khẩu lao động, học sinh, sinh viên vay là những chương trình mà người thụ hưởng nằm trong độ tuổi thanh niên. Đây là các chương trình thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần trong công tác an sinh xã hội.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, toàn tỉnh đã hình thành được mạng lưới ủy thác với số thành viên hội tham gia ủy thác cấp xã là 455 người, quản lý 1.856 tổ TK&VV tại 125 xã, phường, thị trấn. Các tổ chức hội đã cử người tham gia thành viên ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH từ tỉnh đến huyện với 4 thành viên cấp tỉnh, 36 thành viên ở cấp huyện; phối hợp với ngân hàng CSXH tham gia quản lý hơn 76.681 hộ vay với tổng dư nợ vay gần 5.065.575 triệu đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ tại ngân hàng CSXH (tăng hơn 204% so với năm 2014).

Trong công tác ủy thác cho vay, các tổ chức CT-XH nhận ủy thác đã có nhiều cách làm sáng tạo, đề cao việc xây dựng các mô hình sử dụng vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Với cách làm đó đã tạo ra nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững như mô hình trồng hoa, cây cảnh ở xã Gio Châu (huyện Gio Linh), phường Đông Giang (TP. Đông Hà), cây dược liệu ở huyện Cam Lộ, mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Hướng Hóa, trồng dưa lưới ở xã Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh), sản xuất bún ở Triệu Sơn, Triệu Trạch (huyện Triệu Phong), sản xuất chổi đót ở xã Hải An (huyện Hải Lăng)...

Đảm bảo vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng

Để hoạt động cho vay ủy thác giữa ngân hàng CSXH với các tổ chức CT-XH ngày càng phát huy hiệu quả, hoạt động tín dụng CSXH đi vào cuộc sống, có sự đóng góp đáng kể của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh.

Điểm lại một số kết quả nổi bật trong triển khai hoạt động tín dụng CSXH của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng nhấn mạnh đến chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, trong đó trọng tâm là công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 40- CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH cũng như tuyên truyền về phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; nhằm kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng CSXH.

Có thể nói, MTTQ và các tổ chức CT-XH trên địa bàn tỉnh đã làm tròn cả hai vai là đồng hành với hội viên và đồng hành với ngân hàng CSXH để đảm bảo nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, sử dụng hiệu quả và thu hồi vốn đúng hạn. Từ những hoạt động trên đã tạo ra sự lan tỏa, thúc đẩy hộ nghèo từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phat-huy-vai-tro-cua-mat-tran-va-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-trong-hoat-dong-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-187384.htm