Phát huy vai trò của người cao tuổi trong các phong trào tại địa phương

Chăm lo cho người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm. Nhân dịp ngày quốc tế Người cao tuổi 1/10, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam.

Thưa ông, xin ông cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và có những sự chăm lo như thế nào để phát huy được vai trò của người cao tuổi?

Dân tộc ta có truyền thống "kính già", luôn đề cao vai trò của người cao tuổi. Từ Hội nghị Diên Hồng, đến Lời kêu gọi Cứu Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đều cho thấy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng và phát triển đất nước.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới việc chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi, đặc biệt trong giai đoạn già hóa dân số nhanh của Việt Nam như hiện nay.

Trên thực tế, nếu không có chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi, sẽ lãng phí một nguồn lực xã hội lớn. Do đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định vai trò của người cao tuổi. Từ đó, chúng ta tiếp tục xây dựng chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi, trước hết là phong trào như xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự tại cơ sở, phòng chống bạo lực… Định kỳ, tổ chức biểu dương người cao tuổi trong các phong trào. Đây chính là một trong các nội dung phát huy vai trò người cao tuổi.

Bên cạnh đó, người cao tuổi cần được phát huy qua lao động, bởi khi còn lao động là còn sức khỏe về thể trạng và về trí tuệ. Chính phủ đã có chủ trương xây dựng mô hình khởi nghiệp người cao tuổi, thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng và tìm việc làm thích hợp. Trung ương Hội Người cao tuổi cũng đã xây dựng đề án để người cao tuổi khởi nghiệp.

Trong khoảng 16,1 triệu người cao tuổi hiện nay, có 7 triệu người cao tuổi đang trực tiếp sản xuất. Trong đó có 700.000 người là chủ hộ sản xuất kinh doanh, chủ doanh nghiệp. Do đó, tôn vinh người cao tuổi trong sản xuất kinh doanh giỏi cũng là tiếp tục phát huy người cao tuổi trong phát triển kinh tế, xây dựng địa phương. Tháng 11 tới, Hội Người cao tuổi sẽ có hội nghị biểu dương người cao tuổi trong phát triển kinh tế. Người cao tuổi cần được lao động hợp lý và có thu nhập.

Trong tháng chăm sóc người cao tuổi, Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ hướng vào hoạt động như thế nào, thưa ông?

Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã gửi công văn tới các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền vai trò người cao tuổi. Đồng thời, Hội cũng kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ người cao tuổi còn khó khăn.

Ông Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Ông Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Đợt phát động năm 2022, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã triển khai chương trình chăm sóc người cao tuổi khó khăn và nhận được hỗ trợ gần 300 tỷ đồng. Năm nay, với chủ đề "Người cao tuổi cần được phát huy và chăm sóc đầy đủ hơn" đã đưa yếu tố phát huy lên trước để tiếp tục có những hoạt động, hình thức để phát huy hơn nữa vai trò của người cao tuổi.

Như tôi đã thông tin ở trên, theo thống kê, hiện có 16,1 triệu người cao tuổi, trong đó người trong độ tuổi từ 60 - 70 tuổi có khoảng 9 triệu người. Lực lượng này vẫn còn có sức khỏe, nên cần có chính sách phát huy vai trò lực lượng trong nhóm tuổi này. Đây là nguồn lực quan trọng trong phát triển của đất nước.

Mới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đề xuất trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có điểm mới là giảm độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội với người không có lương hưu từ 80 tuổi xuống 75 tuổi thay cho trợ cấp xã hội hiện nay. Về phía Hội Người cao tuổi có ý kiến như thế nào về đề xuất này, thưa ông?

Đề xuất này rất nhân văn và mang tính ưu việt của chế độ ta. Trước đây, chúng ta quy định từ tròn 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội. Nhưng trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang đề xuất đổi sang tên gọi mới là trợ cấp hưu trí xã hội, thì tính chất, ý nghĩa đã khác. Những người này không tham gia BHXH nhưng vẫn được trợ cấp hưu trí.

Đồng diễn thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Đồng diễn thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Đất nước phát triển và nguồn lực hỗ trợ cho các đối tượng này cũng đã có điều kiện hơn. Tuổi thọ bình quân hiện nay là 75 tuổi, nên việc hỗ trợ nhóm người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên mà chưa được hưởng chế độ gì, theo chúng tôi là hoàn toàn phù hợp.

Qua dư luận, điều này người cao tuổi đã mong mỏi từ lâu. Trong các hội nghị tiếp xúc cử tri, hội nghị của người cao tuổi địa phương, mọi người đều kiến nghị đưa độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, để thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi chưa có lương hưu.

Hiện những người từ 75 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn, dân tộc miền núi, cũng đã có trợ cấp xã hội. Do đó, nếu Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định từ 75 tuổi trở lên hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, chúng tôi kiến nghị tiếp tục giảm tuổi đối tượng hưởng trợ cấp hiện nay với những người thuộc hộ nghèo, dân tộc miền núi từ 75 tuổi xuống 70 tuổi để phù hợp hơn thực tế khi áp dụng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Cường (thực hiện)/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/phat-huy-vai-tro-cua-nguoi-cao-tuoi-trong-cac-phong-trao-tai-dia-phuong-20230929185133576.htm