Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng

Thời gian này, người dân thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang (Bảo Thắng) vui mừng khi tuyến đường liên thôn đang được hoàn thiện và sẽ bàn giao vào cuối năm nay. Vậy là con đường mơ ước bấy lâu của 92 hộ người Dao ở Làng Ẻn sắp thành hiện thực.

Nhắc đến niềm vui này, bà con nhớ đến hình ảnh nữ đảng viên Đặng Thị Phúc, người có uy tín ở thôn thời gian qua đã cần mẫn đến từng gia đình tuyên truyền, vận động các hộ hiến đất, góp sức làm đường. Bằng uy tín của mình, từ năm 2016 đến nay, bà đã vận động người dân trong thôn hiến hơn 5.000 m2 đất và ủng hộ hơn 120 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa.

Ngoài vận động người dân chung sức xây dựng nông thôn mới, trong suốt 7 năm được bình bầu là người có uy tín ở thôn, bà luôn quan tâm, động viên người thân và bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn bản sắc văn hóa... Niềm vui ở thôn càng nhân lên khi mới đây, người phụ nữ được bản Dao tin yêu, quý trọng được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Bà Phúc bảo, đây là vinh dự nhưng cũng đặt ra trách nhiệm lớn cho bà trong việc gương mẫu, đi đầu, cống hiến sức lực để xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ông Giàng Pao (giữa ảnh), Trưởng thôn Cốc Phúng, xã Lùng Vai (Mường Khương) hướng dẫn bà con trong thôn cách trồng và chăm sóc chè.

Ông Giàng Pao (giữa ảnh), Trưởng thôn Cốc Phúng, xã Lùng Vai (Mường Khương) hướng dẫn bà con trong thôn cách trồng và chăm sóc chè.

Còn ở thôn vùng cao Cốc Phúng, xã Lùng Vai (Mường Khương), nhiều năm qua, đồng bào đã quen với hình ảnh người có uy tín - Trưởng thôn Giàng Pao luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc của thôn, của xã. Từng có thời điểm người dân địa phương loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế nên phải đi làm ăn xa. Trước tình trạng đó, ông Pao đã tuyên truyền, vận động các hộ học hỏi, áp dụng những mô hình kinh tế phù hợp với đặc thù của thôn như trồng chè, trồng chuối, chăn nuôi gia súc... Là người đầu tiên đưa cây chè về trồng ở Cốc Phúng, sau khi nhận thấy giá trị kinh tế và khả năng tiêu thụ của cây trồng này, ông đã vận động các hộ tham gia trồng 20 ha chè, từ đó tạo được nguồn thu ổn định cho người dân trong thôn.

Chung sức xây dựng nông thôn mới, động viên bà con vươn lên phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa, xóa bỏ hủ tục... là những việc làm mà người có uy tín trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian qua.

Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.309 người có uy tín. Họ là những người có trình độ nhận thức cao hơn so với mặt bằng chung trong cộng đồng nơi cư trú, am hiểu phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, được người dân suy tôn và thường đại diện cho tiếng nói của một cộng đồng dân tộc. Người có uy tín là cầu nối để đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần người dân, đồng thời kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tới các cấp, các ngành, thực hiện tốt phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Với vai trò là cầu nối, những người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã tích cực phát huy vai trò của mình, góp sức cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.

Bà Đặng Thị Phúc, thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang (Bảo Thắng) tuyên truyền, vận động các hộ đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất.

Bà Đặng Thị Phúc, thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang (Bảo Thắng) tuyên truyền, vận động các hộ đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất.

Nhận thức được tầm quan trọng về vị trí, vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, thời gian qua, công tác triển khai chính sách đối với người có uy tín luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện ở việc kịp thời động viên, khuyến khích người có uy tín phát huy khả năng trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; huy động đồng bào tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự... Qua thực tế triển khai, đã có nhiều cách làm hay của những người có uy tín trong công tác vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, bài trừ hủ tục, bảo tồn bản sắc văn hóa...

Hằng năm, các cấp, các địa phương đều tổ chức cung cấp thông tin cho người có uy tín; tổ chức các buổi trao đổi, đối thoại với đội ngũ này. Nhờ đó, người có uy tín trong cộng đồng nắm được tình hình kinh tế - xã hội, những nhiệm vụ trọng tâm mà địa phương đang thực hiện nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra; nắm được những chính sách mới của tỉnh và địa phương liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số để phổ biến đến người dân. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đều quan tâm, làm tốt công tác biểu dương người có uy tín tiêu biểu để ghi nhận sự cống hiến, tạo động lực cho họ tiếp tục thi đua, phát huy vai trò quan trọng đối với cộng đồng.

Có thể khẳng định, người có uy tín là “cánh tay nối dài” của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Họ cũng là hạt nhân trong các phong trào thi đua, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong mọi lĩnh vực để bà con tin tưởng, làm theo. Do đó, việc bình xét và phát huy vai trò của người có uy tín tiếp tục được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm và chú trọng thực hiện trong thời gian tới.

Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/phat-huy-vai-tro-cua-nguoi-co-uy-tin-trong-cong-dong-z1n20190930090541101.htm