Phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu

Đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) của tỉnh là nội dung quan trọng, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai xây dựng LVHKM có những đặc thù riêng, nên cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người có uy tín có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia tích cực của người dân để hoàn thành các tiêu chí xây dựng LVHKM.

Anh Nguyễn Ngọc Thêm (đứng giữa), người có uy tín thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo tuyên truyền, vận động người dân trong thôn về chủ trương xây dựng LVHKM. Ảnh: Kim Ly

Anh Nguyễn Ngọc Thêm (đứng giữa), người có uy tín thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo tuyên truyền, vận động người dân trong thôn về chủ trương xây dựng LVHKM. Ảnh: Kim Ly

Được người dân thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo tín nhiệm bầu là người có uy tín, anh Nguyễn Ngọc Thêm đã phát huy năng lực, làm tốt vai trò người đại diện cho tiếng nói của bà con trong thôn. Khi thôn Đồng Cà được tỉnh lựa chọn thí điểm xây dựng LVHKM, anh Thêm là thành viên Ban Chỉ đạo của xã.

Anh đã nghiên cứu đề án của tỉnh và kế hoạch triển khai thực hiện của xã, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tuyên truyền để người dân trong thôn hiểu và đồng thuận với chủ trương của tỉnh, kế hoạch của xã.

Anh cũng gần gũi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để kiến nghị lên các cấp chính quyền giải quyết, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện xây dựng LVHKM. Ví dụ như trong việc giải phóng mặt bằng 7.800 m2 đất của 28 hộ dân trong thôn để xây dựng hạ tầng cơ sở, thiết chế văn hóa, theo dự kiến phải mất 3 ngày, nhưng với sự tuyên truyền, vận động của anh Thêm, chỉ trong 1 ngày, 100% hộ dân đã đồng thuận nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng.

Hay hiện tại, việc xây dựng các mô hình kinh tế, dịch vụ tại thôn Đồng Cà đang gặp khó khăn do không đảm bảo diện tích đất, nguồn vốn, anh đã đề xuất với lãnh đạo xã, huyện có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để việc triển khai các mô hình diễn ra thuận lợi.

Anh Thêm cho biết: “Thôn Đồng Cà có 97% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống với nhiều nét đặc trưng về phong tục, tập quán, văn hóa như hát Soọng cô, các lễ hội dân gian, sản vật đặc trưng bánh chưng gù, bánh gio chấm mật, bánh trứng kiến, xôi đen… và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Khi dự án xây dựng LVHKM được hoàn thành sẽ phục vụ lượng lớn du khách đến giao lưu, trải nghiệm các nét văn hóa độc đáo của dân tộc Sán Dìu. Đây cũng là cơ hội cho người dân phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ, từ đó, nâng cao đời sống vật chất tinh thần.

Để các mục tiêu trở thành hiện thực, với vai trò là người có uy tín, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, vận động gia đình và người dân tích cực đóng góp công sức, xây dựng thành công mô hình LVHKM, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô có 201 hộ dân với 887 nhân khẩu, trong đó, 166 hộ dân với 710 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Cao Lan. Khi thôn Đồng Dong được tỉnh lựa chọn thí điểm xây dựng LVHKM, Đảng ủy, chính quyền xã Quang Yên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó, ông Vi Văn Lộc - người có uy tín của thôn đóng vai trò quan trọng.

Ông Lộc cùng đảng viên trong chi bộ và trưởng thôn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận với chủ trương của tỉnh và kế hoạch xây dựng LVHKM của huyện, xã. Ông đến tận hộ dân vận động họ hiến, đổi đất để mở rộng diện tích nhà văn hóa thôn và mở rộng một số đoạn đường đi vào thôn có diện tích hẹp; vận động các hộ dân có tiềm lực xây dựng các mô hình kinh tế, dịch vụ như homestay, siêu thị mini…

Để góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Cao Lan, ông còn góp sức tích cực trong việc tuyên truyền, vận động con trai và 3 hộ dân khác khôi phục mô hình nhà sàn; vận động bà Nịnh Thị Ngọc là người hát Sình ca hay nhất thôn bố trí thời gian dạy Sình ca cho thế hệ trẻ trong thôn và đang tìm người dạy tiếng nói Cao Lan cho thanh, thiếu niên trong thôn; vận động anh Lâm Văn Cao đăng ký xây dựng mô hình nấu rượu men lá…

Ông Lộc chia sẻ: “Tôi luôn muốn góp sức mình vào sự phát triển của thôn, xã. Tôi sẽ tiếp tục đồng hành với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và người dân địa phương để từng bước thực hiện các tiêu chí xây dựng LVHKM”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quang Yên Nguyễn Tiến Toàn cho biết: “Sau khi nghỉ công tác tại UBND xã theo chế độ hưu trí, 11 năm qua, ông Lộc được người dân thôn Đồng Dong bầu là người có uy tín. Ông còn đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Công tác mặt trận và Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn.

Ông Lộc luôn tích cực trong các phong trào, hoạt động của địa phương. Khi thôn được lựa chọn xây dựng LVHKM, ông Lộc hăng hái tham gia các cuộc họp dân để tuyên truyền, vận động bà con hiểu về vai trò, ý nghĩa, lợi ích để cùng đồng thuận thực hiện chủ trương xây dựng LVHKM”.

Người có uy tín tại các thôn, bản thuộc khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều là những người có kiến thức, có hiểu biết về tình hình kinh tế-xã hội địa phương, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và được người dân tín nhiệm.

Khi các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tỉnh lựa chọn thí điểm xây dựng LVHKM, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, tích cực tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận thực hiện các tiêu chí được giao, góp phần thực hiện thành công Đề án xây dựng mô hình LVHKM trên địa bàn tỉnh.

Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96414//phat-huy-vai-tro-cua-nguoi-co-uy-tin-trong-xay-dung-lang-van-hoa-kieu-mau