Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chuyên gia trong góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Ngày 8/3, tại tỉnh Phú Thọ, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học một số tỉnh khu vực phía Bắc. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Luật Đất đai năm 2013 đã thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng và các quy định Hiến pháp năm 2013 về đất đai, tạo hành lang pháp lý trong công tác tổ chức, quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, qua thực hiện các quy định của Luật Đất đai gần 10 năm qua, bên cạnh những ưu điểm thì Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
“Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận đối với một số nội dung cụ thể như quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vai trò của MTTQ Việt Nam trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất công tác thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất; tham vấn ý kiến của người dân về quản lý, sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi),...
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó cơ chế này bao gồm cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực bao gồm nhân dân với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước … trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Cơ chế này còn là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của công dân mà trước hết là MTTQ các cấp và các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội.
Cùng với đó là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong mỗi quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền quy định chưa đầy đủ và đủ mạnh để việc quản lý và sử dụng đất đai có hiệu lực và hiệu quả khắc phục được tình trạng tiêu cực tham nhũng về đất đai. Theo ông Đường, Chương XV không nên quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra mà giám sát, thanh tra, kiểm tra đưa vào các chương trở thành một nội dung của từng chương với những quy định cụ thể quy định cơ chế kiểm soát theo nội dung của chương. Trong đó quy định mỗi cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm soát như thế nào, cơ chế kiểm soát và nội dung kiểm soát gồm những vấn đề gì.
Góp ý về hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại Điều 224 của dự thảo Luật, ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ cho rằng quy định này cơ bản giữ nguyên như Điều 202 Luật Đất đai 2013. Theo đó, việc hòa giải ở cơ sở được Nhà nước “khuyến khích”, không phải thủ tục bắt buộc. Nhưng trên thực tế dễ gây hiểu nhầm là khi phát sinh tranh chấp thì chỉ thực hiện hòa giải tại khu dân cư; khi hòa giải không thành, được chuyển sang thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai; cơ quan thụ lý không chấp nhận, yêu cầu về UBND xã để thực hiện lại thủ tục hòa giải gây mất thời gian cho công dân và các cơ quan Nhà nước. Mặt khác, khoản 3 Điều 224 của dự thảo Luật đã quy định hòa giải tại Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; nhưng chưa nêu rõ hòa giải ở cơ sở thực hiện theo quy định nào.
Vì vậy, ông Cường đề xuất cần gộp khoản 1 vào khoản 3 Điều 224, khi đó khoản 1 sẽ được bổ sung nội dung “Hòa giải ở cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án”.
Góp ý vào Điều 78 Dự thảo Luật quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, bà Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cho rằng, Ban soạn thảo chưa làm rõ đối tượng thụ hưởng, ngân sách đầu tư và quản lý lợi nhuận từ các dự án, bởi vậy cần bổ sung rõ: Đối tượng thụ hưởng phải là nhân dân, ngân sách đầu tư là của nhà nước và lợi nhuận từ các dự án phải do nhà nước thu để phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng. Các loại đất nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng dự thảo Luật đã nêu cụ thể.
Nhắc tới điểm d, khoản 2, Điều 78 quy định về dự án xây dựng cơ sở tôn giáo, bà Linh đề nghị cần định nghĩa cụ thể việc thu hồi đất phục vụ cho dự án xây dựng cơ sở tôn giáo để khắc phục hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng tôn giáo để tổ chức hoạt động kinh doanh. Trong các dự án cơ sở tôn giáo cần làm rõ chỗ nào là đất xây dựng cơ sở tôn giáo phục vụ cho hoạt động của tổ chức tôn giáo hợp pháp được nhà nước công nhận thì giao đất không thu tiền còn phần đất để xây dựng cơ sở kinh doanh, dịch vụ thì phải nộp tiền cho ngân sách nhà nước để phục vụ cho lợi ích quốc gia, công cộng. Cùng với đó, tại điểm đ, khoản 2, Điều 78 cần quy định cụ thể các loại chợ vì thực tế có nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.
Đề cập đến việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất tại Điều 87, bà Linh cho rằng với điểm b, khoản 5, Điều 87 cần bổ sung thành “Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản trong điều kiện bình thường; đối với tài sản dễ hư hỏng, phải bảo quản có điều kiện, vật nuôi thì được phép thanh lý ngay; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán”. Cũng cần quy định cụ thể hơn về số ngày công khai, niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ và các quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng phải thể chế hóa nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cụ thể hóa nội dung của Hiến pháp liên quan đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phúc, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định một mục riêng về quyền sử dụng đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số chứ không chỉ dừng lại ở Điều 17 nói về trách nhiệm của Nhà nước. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải khẳng định quyền sử dụng đất đai của đồng bào, trong đó để cập đến quyền của mỗi cá nhân trong tiếp cận nguồn đất.
“Từ thực thế cho thấy, ngoài Luật của Nhà nước còn có một hệ thống ‘luật tục’ của đồng bào dân tộc thiểu số điều chỉnh việc quản lý, sử dụng đất đai trong cộng đồng. Làm được như vậy mới bảo vệ được quyền công dân, quyền con người và sát với nội dung điều 14, Hiến pháp năm 2013 đã ban hành”, ông Phúc nêu và nhấn mạnh phải coi nội dung quyền sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số là một nội dung lớn, MTTQ Việt Nam phải cùng với Hội đồng Tư vấn về Dân tộc bảo vệ quyền lợi này của đồng bào.
Về nội dung tiếp cận đất đai của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ cho biết, Điều 19 dự thảo Luật Đất đai năm 2023 có nêu: “Bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật” còn chung chung, chưa minh bạch và rõ ràng, chưa thể hiện tính pháp lý của cụm từ “quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức”. Do đó cần làm rõ hơn trách nhiệm cung cấp thông tin, cần đáp ứng yêu cầu được tiếp cận thông tin đất đai trực tiếp của tổ chức, cá nhân; đồng thời quy định rõ tổ chức, cá nhân có quyền tiếp cận thông tin đất đai phục vụ nhu cầu sử dụng đất, nhất là đất cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dự thảo Luật cũng cần bổ sung quyền của doanh nghiệp được ưu tiên giao đất trong các khu cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong quy phạm Luật Đất đai hiện hành và các bản dự thảo sửa đổi hiện nay chưa quy định đầy đủ, rõ ràng về cơ chế tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở cơ sở về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở cấp xã theo phương châm dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình theo chủ trương của Đảng về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” được quy định trong Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở mới được ban hành.
Vì vậy, ông Thường kiến nghị dự thảo Luật cần quy định rõ nội dung lấy ý kiến công dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, mà trực tiếp là cấp xã, nhất là những dự án liên quan đến quyền sử dụng đất của các hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố. Trong đó hình thức lấy ý kiến là công khai bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại UBND cấp xã và tại điểm dân cư ở các thôn, bản, tổ dân phố. Trong quá trình thực hiện, cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp với MTTQ ở địa phương tuyên truyền, giải thích và trả lời bằng văn bản những kiến nghị của nhân dân.
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những kiến nghị, đề xuất của các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị mang hàm lượng thực tiễn cao, thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của bà con tại các địa phương.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, các ý kiến sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam, báo cáo sẽ được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế.