Phát huy vai trò của phụ nữ trong giải quyết các vấn đề xã hội

Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ được các cấp chính quyền, nhất là các cấp hội liên hiệp phụ nữ quan tâm thực hiện. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội...

Đề án tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 (gọi tắt đề án 938) được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang tổ chức quán triệt đến 100% cán bộ, hội viên phụ nữ.

“Điểm khác của đề án 938 so các đề án khác là các hoạt động được thực hiện dựa trên quan điểm lấy phụ nữ làm trung tâm, vừa là chủ thể hành động vừa là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, hướng đến xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang Trần Thu Hồng cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp Trần Minh Vũ (đứng) tại buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện đề án 938 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp Trần Minh Vũ (đứng) tại buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện đề án 938 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Từ năm 2022 đến nay, các cấp hội phụ nữ tổ chức tuyên truyền cho 388.752 lượt hội viên phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, giáo dục con em không vi phạm pháp luật; vai trò, chức năng của người vợ, người mẹ trong gia đình, làm mẹ an toàn; phòng, chống đuối nước, bạo lực học đường...

Các cấp hội hỗ trợ, bảo vệ 9 vụ bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em; hòa giải 690 vụ về hôn nhân, gia đình và các vụ liên quan đến phụ nữ, trẻ em; giới thiệu việc làm cho 53.205 phụ nữ, đào tạo nghề cho 34.309 lao động nữ.

Bên cạnh đó, các cấp hội còn duy trì, xây dựng 965 mô hình tổ, nhóm, câu lạc bộ ngôi nhà an toàn, tổ an toàn, gia đình hạnh phúc, gia đình phát triển bền vững, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng... với gần 20.000 thành viên tham gia.

Lao động nữ bộ phận giày da Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang kiểm tra chất lượng sản phẩm giày da được sản xuất tại công ty trước khi xuất xưởng.

Lao động nữ bộ phận giày da Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang kiểm tra chất lượng sản phẩm giày da được sản xuất tại công ty trước khi xuất xưởng.

Xã Phú Lợi, huyện Giang Thành có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm 40,8% dân số toàn xã; người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ. Để cụ thể hóa đề án đến hội viên phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Lợi có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Lợi Lê Ngọc Tiên cho biết: “Hội lồng ghép tuyên truyền thực hiện đề án vào các buổi sinh hoạt hội, vận động hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt đầy đủ, từ đó nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cán bộ, hội viên phụ nữ”.

Từ khi thực hiện đề án đến nay, tổ triển khai đề án 938 xã Phú Lợi tham gia hòa giải 3 vụ mâu thuẫn trong gia đình, cùng tổ hòa giải tổ chức hòa giải thành 1 vụ liên quan đến bạo lực gia đình và xử lý vi phạm hành chính 1 trường hợp liên quan đến bạo lực gia đình.

Đồng thời, giúp 38 hộ phụ nữ thoát nghèo; hỗ trợ 79 phụ nữ hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; vận động phụ nữ học nghề ngắn hạn, tạo điều kiện cho 25 phụ nữ nghèo có nguy cơ bị bạo lực gia đình vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: THỦY TIÊN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/doan-the/phat-huy-vai-tro-cua-phu-nu-trong-giai-quyet-cac-van-de-xa-hoi-17235.html