Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chọn chủ đề năm 2025 là 'Phát huy vai trò của phụ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'.
Chiều 26/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam luôn được ghi nhận và khẳng định trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, đảm đang công việc gia đình, gìn giữ mạch nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc và thắp sáng ngọn lửa tinh thần yêu nước, tất cả những phẩm chất tốt đẹp đó đã hun đúc lên phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và được trao truyền, vun đắp qua các thế hệ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là vấn đề lớn, vấn đề mới cả về lý luận lẫn thực tiễn. Hội thảo hôm nay góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; nghiên cứu, trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới; gợi mở các giải pháp đối với tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chuẩn bị hành trang cho phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chọn chủ đề năm 2025 là “Phát huy vai trò của phụ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, thể hiện quyết tâm của tổ chức Hội và cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước, sẵn sàng cho một bước tiến quan trọng của đất nước”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến khẳng định.
Tại hội thảo, một số ý kiến khẳng định, bình đẳng giới là yếu tố then chốt để đạt được phát triển bền vững trong bối cảnh kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đánh dấu bước chuyển mình của dân tộc. Trong bối cảnh đất nước đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, việc thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là yếu tố mang tính chiến lược giúp tăng cường sức mạnh toàn diện, tạo tiền đề vững chắc để đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng.
Đồng thời, bình đẳng giới giúp phát huy tối đa nguồn lực con người, tăng cường sự tham gia, đóng góp của con người vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự hòa nhập của phụ nữ và nam giới trong các vị trí lãnh đạo và ra quyết định giúp xây dựng chính sách công bằng và bền vững hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa then chốt để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm việc tạo điều kiện xây dựng và thực thi các chính sách, cơ chế của các cơ quan, tổ chức, các hoạt động đào tạo và kết nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng như sự chủ động và nỗ lực không ngừng từ bản thân mỗi người phụ nữ.
Việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ không chỉ giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà còn tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ, bao trùm và công bằng hơn. Đây là con đường tất yếu để Việt Nam tiến xa hơn trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế để đất nước đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên cạnh đó, ưu tiên triển khai chính sách hỗ trợ các nhóm lao động nữ làm việc khu vực phi chính thức, phụ nữ yếu thế và phụ nữ ở khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số. Việc hỗ trợ nâng cao năng lực nghề nghiệp, năng lực số cho các nhóm phụ nữ trên sẽ giúp họ tiếp cận những dịch vụ và cơ hội tốt hơn về giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống; từ đó giảm thiểu khoảng khoảng cách, phân hóa giữa các tầng lớp trong xã hội.