Phát huy vai trò của thanh niên Quân đội trong chuyển đổi số hiện nay

Chuyển đổi số (CĐS) đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu đối với các quốc gia, dân tộc. Nó là một phương thức hữu hiệu để xây dựng Quân đội hiện đại. Cùng với tuổi trẻ cả nước, thanh niên Quân đội (TNQĐ) có vai trò rất quan trọng trong CĐS. Để phát huy hiệu quả vai trò của TNQĐ trong CĐS, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải xác định đúng các vấn đề đặt ra, từ đó đề ra giải pháp phát huy.

Nhờ thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với CĐS, người dân làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại Trạm Kiểm soát Thác Bản Giốc, Đồn Biên phòng Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng chỉ mất từ 1 - 2 phút. Ảnh: Trần Đức

Nhờ thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với CĐS, người dân làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại Trạm Kiểm soát Thác Bản Giốc, Đồn Biên phòng Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng chỉ mất từ 1 - 2 phút. Ảnh: Trần Đức

TNQĐ là bộ phận ưu tú của thanh niên Việt Nam, là lực lượng đông đảo, nguồn nhân lực chủ yếu, trực tiếp thực hiện mọi nhiệm vụ của Quân đội, trong đó có CĐS. Được học tập, rèn luyện trong môi trường đặc thù quân sự, họ có điều kiện thuận lợi để khẳng định vai trò xung kích, tiên phong đi đầu trong CĐS. Vì vậy, quá trình phát huy vai trò của TNQĐ trong CĐS là rất quan trọng, cấp thiết, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững và xây dựng Quân đội hiện đại và xây dựng hình mẫu TNQĐ trong tình hình mới.

Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban TNQĐ, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chặt chẽ, nghiêm túc đối với phát huy vai trò của TNQĐ trong CĐS và đạt được nhiều kết quả tích cực. Song, bên cạnh đó, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động mà quá trình TNQĐ thực hiện nhiệm vụ CĐS vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả thực hiện CĐS ở nước ta. Trước thực trạng đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải thấy rõ những vấn đề đặt ra, để từ đó đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả vai trò của TNQĐ trong CĐS thời gian tới.

Trước hết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp về sự cần thiết thực hiện CĐS và phát huy vai trò của TNQĐ trong CĐS, bởi vì CĐS sẽ ngày càng tác động mạnh mẽ tới toàn bộ các tổ chức, lực lượng và hoạt động trong đời sống xã hội nói chung và trong Quân đội nói riêng. Thực hiện CĐS không chỉ riêng của một tổ chức, lực lượng và cá nhân nào. Đây là một quá trình chuyển đổi tổng thể và toàn diện mọi hoạt động của các tổ chức, lực lượng, cá nhân từ môi trường thực (truyền thống) sang môi trường ảo (không gian mạng). Từ đó đặt ra, muốn thực hiện CĐS thành công thì vấn đề đầu tiên, trước hết là chuyển đổi về nhận thức, tư duy của các tổ chức, lực lượng, nhất là người đứng đầu về CĐS.

Trên cơ sở đó, tạo được sự đồng thuận và huy động tối đa các tổ chức, lực lượng tham gia hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa để thực hiện CĐS thành công trong Quân đội, vấn đề đầu tiên, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì trong Quân đội cần phải chuyển đổi nhận thức, tư duy về CĐS và sự cần thiết thực hiện CĐS trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chủ trì sẽ xác định rõ trách nhiệm, huy động tối đa các tổ chức, lực lượng ở đơn vị tham gia CĐS, nhất là vai trò của đoàn viên, thanh niên.

Bên cạnh đó, CĐS chính là việc ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động của các tổ chức, lực lượng và được thực hiện trong thời đại bùng nổ về công nghệ trên không gian số. Theo đó, để thích ứng với mọi hoạt động trên không gian số, trước tiên, mỗi tổ chức, cá nhân cần phải có nhận thức số, năng lực số, kỹ năng số, văn hóa số và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Đại hội XIII, Đảng đã xác định: “giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng trong mọi tình huống”(1); Chính phủ đã xác định quan điểm: “nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS”(2) và Bộ Quốc phòng đã xác định nhiệm vụ: “Huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng số”(3).

Trong khi đó, thực hiện CĐS ở nước ta hiện nay mới chỉ thực sự được đẩy mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt trong Quân đội do tính đặc thù, bí mật cao nên việc thực hiện nhiệm vụ CĐS, nhất là bồi dưỡng, nâng cao nhận thức số, năng lực số, kỹ năng số, văn hóa số cho cán bộ, chiến sĩ vẫn còn khó khăn. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động nên thực tế ở một số cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị cơ sở thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đóng quân ở vùng biên giới, hải đảo vẫn còn bộ phận đoàn viên, thanh niên nhận thức số, năng lực số hạn chế và vi phạm các quy định bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Cùng với đó, khơi dậy và phát huy tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung ở TNQĐ trong CĐS. CĐS là quá trình khách quan, chuyển đổi mô hình hoạt động trên quy mô lớn dựa trên công nghệ số và dữ liệu số; là một nhiệm vụ mới chưa có tiền lệ, khó khăn, phức tạp. Với ưu thế có tính đột phá cao, CĐS sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển nhanh, bền vững cho các quốc gia, đặc biệt nó chính là “một trong những đột phá quan trọng, phương thức rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta”(4) nói chung và xây dựng Quân đội hiện đại nói riêng.

Cổng kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) gắn với hệ thống camera giám sát ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ kiểm soát tự động đã giúp rút ngắn thời gian cho hành khách. Ảnh: Trần Đức

Cổng kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) gắn với hệ thống camera giám sát ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ kiểm soát tự động đã giúp rút ngắn thời gian cho hành khách. Ảnh: Trần Đức

Cùng với tuổi trẻ cả nước, TNQĐ luôn là lực lượng rường cột của đất nước trong tương lai. Ở mọi giai đoạn cách mạng, TNQĐ luôn thể hiện rõ nét tinh thần xung kích, sáng tạo, khát vọng cống hiến trong những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ. Tinh thần đó cần phải tiếp tục được kế thừa, phát huy mạnh mẽ trong điều kiện mới - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả nổi bật đạt được trong thực hiện nhiệm vụ CĐS, vẫn còn một bộ phận TNQĐ có nhận thức chưa đầy đủ, trách nhiệm chưa cao, ngại khó, còn ngại đổi mới khi tham gia thực hiện nhiệm vụ này. Vì vậy, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, các chủ thể phải có chủ trương, biện pháp đúng đắn, phù hợp nhằm khơi dậy mạnh mẽ “tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung ở TNQĐ”(5) khi thực hiện nhiệm vụ CĐS. Đây chính là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến hiệu quả phát huy vai trò của TNQĐ trong CĐS hiện nay.

Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách và bảo đảm phương tiện trang bị kỹ thuật phục vụ cho TNQĐ trong CĐS. CĐS là một nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ, mọi hoạt động diễn ra liên quan đến môi trường số, cho nên quá trình thực hiện nhiệm vụ này sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới, khó lường, như thống nhất về nhận thức, huy động lực lượng tham gia CĐS; quản lý thông tin, dữ liệu của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; ứng xử, giao tiếp trên không gian mạng; phòng, chống thông tin giả, khủng bố an ninh mạng... Cùng với đó, CĐS là một quá trình chuyển đổi dựa trên nhiều yếu tố nền tảng cốt lõi, trong đó có nền tảng số. Điều đó đặt ra đối với nhiệm vụ CĐS không chỉ cần có nhận thức, tư duy, bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao mà còn phải có phương tiện trang bị kỹ thuật cần thiết mới có thể thực hiện được. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong thời gian tới nhằm phát huy hiệu quả vai trò của TNQĐ trong CĐS, các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, đề nghị bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và bảo đảm tốt phương tiện trang bị kỹ thuật phục vụ cho TNQĐ thực hiện nhiệm vụ này.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.277.

(2) Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 về “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội.

(3) Bộ Quốc phòng (2021), Kế hoạch số 4396/KH-BQP ngày 04/11/2021 về “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương.

(5) Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (2022), Báo cáo chính trị của Tổng cục Chính trị tại Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ X, Hà Nội.

Trần Quang Thuận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-vai-tro-cua-thanh-nien-quan-doi-trong-chuyen-doi-so-hien-nay-post468917.html