Phát huy vai trò của Tổ tư vấn chính sách pháp luật trong tham gia góp ý xây dựng pháp luật
Để có được những ý kiến tham gia góp ý các dự án luật của Quốc hội một cách xác đáng, sát thực tiễn, phải kể tới vai trò đóng góp của các thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng. Các chuyên gia pháp luật, bằng tâm huyết, trách nhiệm, kinh nghiệm và sự nghiên cứu chuyên sâu đã tham mưu giúp cho các ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tích cực đóng góp ý kiến thảo luận, chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng ghi nhận: Hoạt động của Tổ tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH đã được thành lập và hoạt động trong nhiều nhiệm kỳ qua và kết quả hoạt động của Tổ rất hiệu quả. Tổ đã huy động lực lượng lớn các chuyên gia, lãnh đạo đang công tác tại các ngành, đơn vị của tỉnh, nhiều chuyên gia trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các thành viên nguyên là lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có am hiểu pháp luật, có năng lực và kinh nghiệm góp ý xây dựng pháp luật. Qua đó, đã giúp cho Đoàn ĐBQH có được nhiều ý kiến xây dựng pháp luật rất chất lượng, xác đáng và tổng hợp ý kiến, chắt lọc nội dung để tham gia tại nghị trường Quốc hội. Tổ tư vấn chính sách pháp luật được coi là kênh thông tin quan trọng giúp Đoàn ĐBQH hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn.
Ông Hoàng Bình - thành viên Tổ tư vấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho rằng: Qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ tham gia hoạt động cùng Tổ, những ý kiến góp ý thảo luận, tranh luận của chúng tôi đã được các ĐBQH tham gia góp ý tại nghị trường và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo các dự án luật tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp. Điều đó, khiến chúng tôi rất vui và hạnh phúc vì có đóng góp tích cực cho Đoàn ĐBQH, cho xã hội.
Còn ông Bùi Thanh Long - Thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật, nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh cho biết: Tôi được mời tham gia thành viên của Tổ từ năm 2016, qua 2 nhiệm kỳ (khóa XIV, khóa XV) của Quốc hội. Anh em thành viên trong Tổ khi nhận dự thảo luật, tài liệu đã dành thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu, đóng góp tích cực. Riêng trong khóa XIV, tôi đã tham gia góp ý gần 70 dự án luật, tham gia 2 cuộc giám sát với Đoàn ĐBQH tỉnh về vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em, và chương trình giám sát về việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) tại Lâm Đồng. Trong kỳ họp thứ hai này, chúng tôi tham gia 7 dự án luật, tôi quan tâm đến Bộ Luật Tố tụng hình sự vì có những bất cập, hạn chế đã được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Các thành viên trong Tổ chúng tôi đã có sự phối hợp gặp gỡ, trao đổi về những ý kiến góp ý, qua đó làm nảy sinh các ý kiến tranh luận rất sôi nổi để củng cố thêm kiến thức cho mình và từ đó có đóng góp tốt hơn cho Đoàn ĐBQH. Công tác lập pháp, xây dựng pháp luật của Quốc hội là nhiệm vụ tối quan trọng và rất cần thiết. Vì thế, để xây dựng pháp luật tốt hơn rất cần mở rộng thêm thời gian cho Tổ và các thành viên của Tổ để nâng cao chất lượng góp ý xây dựng pháp luật. Đôi khi chúng tôi nhận tài liệu gấp quá, trong khi nghiên cứu luật cần có thời gian nghiên cứu kỹ, cần có sự so sánh giữa luật cũ và luật mới để có ý kiến góp ý chuẩn xác hơn.
Qua quá trình tham gia, ông Đoàn Văn Đức, thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật, Luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: Tôi đã tham gia đến nay 3 nhiệm kỳ Quốc hội (khóa XII, XIV và XV). Qua tham gia với Tổ, bản thân tôi đã tham gia trên 100 dự án luật, kể cả các dự án luật mới, luật sửa đổi. Đã tham gia nghiên cứu viết bài, tham gia phản biện, góp ý trực tiếp tại hội thảo và góp ý bằng văn bản liên quan đến các dự án luật cho Đoàn, để Đoàn ĐBQH tiếp thu, ghi nhận, tổng hợp và chọn lọc đưa vào góp ý tại nghị trường Quốc hội. Tôi kiến nghị với Đoàn để góp ý cho Quốc hội: Trước khi đưa ra góp ý các dự án luật, Quốc hội nên giao cho các cơ quan, ban, ngành chuyên môn tổng hợp, đánh giá lại việc thực thi pháp luật của các ngành đó từ khi ban hành luật đến khi phải sửa đổi, điều chỉnh luật để có đánh giá những tồn tại, khó khăn, bất cập gì và tại sao đến nay phải sửa đổi cho phù hợp. Từ đó để các ĐBQH, các chuyên gia như chúng tôi có ý kiến góp ý xác đáng hơn. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, tôi tham gia góp ý cho 7 dự án luật, trong đó tôi tâm đắc nhất về tính kịp thời và tính thực tế của các dự án luật, nhất là Bộ Luật Tố tụng hình sự rất thực tế, cụ thể, mang đậm tính kịp thời. Bà Hoàng Thị Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho rằng: Tôi đánh giá rất cao phương pháp hoạt động của Tổ tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH. Vì trên thực tế hầu hết các ĐBQH đều là kiêm nhiệm nên ít có thời gian nghiên cứu chuyên sâu về các dự án luật. Vì thế, những ý kiến góp ý của tất cả các thành viên trong Tổ rất có ý nghĩa, giúp cho các ĐBQH, Đoàn ĐBQH có thêm kênh thông tin, nguồn tư liệu xác đáng để tổng hợp, góp ý tại diễn đàn Quốc hội. Tôi cho rằng đây là giải pháp rất hiệu quả của Đoàn ĐBQH và nên duy trì, phát huy hơn nữa. Bản thân tôi đã từng làm lĩnh vực về giám sát và phản biện xã hội, tôi kịp thời tham gia với Đoàn, đóng góp với Đoàn về rất nhiều các dự án luật. Qua theo dõi, các ý kiến của tôi và Tổ đã được tổng hợp, phát biểu tại hội trường Quốc hội, đặc biệt là rất nhiều ý kiến của người dân qua tiếp xúc gặp gỡ thu thập của chúng tôi đã được tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trước khi ban hành luật nên rất phù hợp với thực tiễn cuộc sống.