Phát huy vai trò của trung tâm học tập cộng đồng

Những năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh đã khẳng định được vai trò, vị trí trong việc nâng cao dân trí; đào tạo, phổ biến kiến thức và kinh nghiệm sản xuất. Qua đó, giúp nhân dân lựa chọn được các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 204 trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) cấp xã, phường, thị trấn, với 204 giám đốc, 369 phó giám đốc, 12 giáo viên biệt phái, 265 cộng tác viên; 160 trung tâm có tủ sách pháp luật; 162 trung tâm có máy vi tính kết nối internet...

Triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, các trung tâm HTCĐ các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố đã rà soát nhu cầu học nghề của hội viên để tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đúng đối tượng, đúng nhu cầu, phù hợp với tình hình của địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương, ý nghĩa của đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi tại Trung tâm HTCĐ xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu.

Tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi tại Trung tâm HTCĐ xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu.

Bằng nhiều hình thức tổ chức học tập linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, các trung tâm THCĐ vừa dạy học lý thuyết, vừa thực hành ở cơ sở, do đó chất lượng các lớp dạy nghề ngày càng nâng cao. Từ năm 2022 đến nay, các trung tâm HTCĐ đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 837 hội nghị tuyên truyền về lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức 190 hội nghị, hội thảo, mô hình trình diễn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, với 12.797 lượt học viên tham gia.

Huyện Yên Châu có 15 trung tâm HTCĐ của 15 xã hoạt động ổn định, hiệu quả. Trong đó, 100% trung tâm có máy tính kết nối internet, tủ sách cộng đồng, thiết bị âm thanh phục vụ các hoạt động. Từ đầu năm đến nay, các trung tâm đã phối hợp với các đoàn thể và cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức 12 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 800 lượt học viên ở các xã. Trong đó, nổi bật là các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng mít ruột đỏ, ngô sinh khối, cà gai leo, lê tai nung, nuôi vịt siêu trứng, thỏ sinh sản...

Tập huấn mô hình ủ chua thức ăn chăn nuôi gia súc cho nhân dân xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu

Tập huấn mô hình ủ chua thức ăn chăn nuôi gia súc cho nhân dân xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu

Ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu, cho biết: Trước đây, qua khảo sát, nắm bắt thực tế, nhân dân còn thiếu kiến thức, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, đơn vị đã phối hợp với các Trung tâm HTCĐ các xã chọn những mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và trình độ của nhân dân. Cách làm này bước đầu đã làm thay đổi tư duy sản xuất của nhân dân và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Còn ở xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, hằng năm, Trung tâm HTCĐ xã đã phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyên đề về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả, nuôi cá lồng, nuôi trâu bò sinh sản. Qua đó, bà con đã nắm được kiến thức và áp dụng vào thực tế.

Ông Lò Văn Dưa, Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm HTCĐ xã Liệp Tè, thông tin: Hằng năm, Trung tâm khảo sát nhu cầu học các lớp tập huấn của nhân dân, nhất là lao động trong độ tuổi thanh niên để xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất sát với thực tế. Sau các lớp tập huấn, hơn 60% các hộ dân đã áp dụng các mô hình cây trồng, vật nuôi.

Trung tâm HTCĐ xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả cho nhân dân bản Trộ Phảng.

Trung tâm HTCĐ xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả cho nhân dân bản Trộ Phảng.

Anh Quàng Văn Tưởng, bản Ban Xa, xã Liệp Tè, cho biết: Năm 2020, tôi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng do xã tổ chức. Nhờ đó, tôi nắm được kỹ thuật về chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh cho cá; vì vậy, đàn cá của gia đình sinh trưởng tốt và không bị dịch bệnh. Hiện nay, gia đình có 21 lồng cá lăng đen, lăng vàng, lăng nha; mỗi năm xuất bán trên 8 tấn cá đi các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Kạn, thu hơn 600 triệu đồng/năm.

Việc đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất giúp nhân dân áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực đang là hướng đi đúng mà các trung tâm THCĐ trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện. Phát huy kết quả đạt được, các trung tâm HTCĐ tiếp tục phát huy các nguồn lực tại chỗ, làm cầu nối chuyển giao đa dạng các ngành nghề về nông, lâm, ngư nghiệp đến nhân dân..., góp phần tạo việc làm ổn định, từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/phat-huy-vai-tro-cua-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-sLXQIISSR.html