Phát huy vai trò đại diện giai cấp nông dân trong góp ý sửa đổi Hiến pháp
Hội Nông dân Việt Nam tích cực góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013, phát huy vai trò đại diện giai cấp nông dân. Việc lấy ý kiến cán bộ, hội viên, nông dân thể hiện quyền làm chủ, đồng thời góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi và đồng thuận cao.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Linh, Học viện Chính trị quốc gia phát biểu ý kiến tại Hội thảo.
Bổ sung cơ chế tổ chức, phát huy vai trò giám sát, phản biện
Tại Hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 20/5, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào các quy định liên quan đến vai trò, vị trí, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhất là Hội Nông dân Việt Nam, trong các điều 9, 10 và 84 của Hiến pháp. Đồng thời, nhiều ý kiến kiến nghị về mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và cơ sở), đề xuất điều kiện bảo đảm thực thi hiệu quả tại các vùng có đặc thù như miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Linh (Học viện Chính trị quốc gia) đánh giá cao dự thảo sửa đổi Hiến pháp với nhiều nội dung mới, đặc biệt là việc khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có vai trò thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời làm trung gian giữa nhân dân và Nhà nước.
Tuy nhiên, bà Linh lưu ý về việc chuyển quan hệ giữa Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội từ "phối hợp" sang "trực thuộc", hoạt động dưới sự chủ trì của Mặt trận. Theo bà, đây là thay đổi có xu hướng tập trung hóa quyền lực, cần cân nhắc kỹ để bảo đảm tính tự chủ, sự đa dạng tiếng nói trong nội bộ các tổ chức thành viên.
Bà Linh đề xuất thay cụm từ "trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" bằng "thành viên trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" nhằm duy trì sự linh hoạt trong tổ chức, đồng thời giữ nguyên nguyên tắc "hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động".
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng cụm từ "trực thuộc" mang tính hành chính, gò bó, không phù hợp với nguyên tắc hiệp thương dân chủ của Mặt trận.
Ông đề xuất bỏ cụm từ này tại Điều 9 và Điều 10, đồng thời nhấn mạnh vai trò đại diện của Hội Nông dân Việt Nam đối với giai cấp nông dân ở cấp quốc gia, bên cạnh vai trò tương tự của Công đoàn đối với công nhân.
"Nông dân hiện nay là người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất theo ngành hàng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Vì vậy, Hiến pháp cần thể hiện rõ vị trí của Hội Nông dân Việt Nam trong hệ thống chính trị", ông Thủy chia sẻ.
Nông dân hiện nay là người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất theo ngành hàng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Vì vậy, Hiến pháp cần thể hiện rõ vị trí của Hội Nông dân Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy.
Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo, đồng thời đề nghị hoàn chỉnh một số khái niệm.
Ông kiến nghị bổ sung từ "Nhà nước" vào cụm "chính quyền" để hoàn chỉnh thành: "là cơ sở chính trị của Nhà nước và chính quyền nhân dân", bảo đảm sự chặt chẽ và toàn diện trong quan điểm lập hiến.
Theo Tiến sĩ Trần Văn Miều, cần ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thể chế hóa các nội dung mới của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý cho sự vận hành của hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị-xã hội.
Bên cạnh đó, ông đề nghị bổ sung rõ chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phản biện, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách.

Tiến sĩ Trần Văn Miều đề xuất: Cần ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thể chế hóa các nội dung mới của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý cho sự vận hành của hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị-xã hội.
Một điểm đáng lưu ý được ông Miều nêu ra là: khi xác lập mối quan hệ trực thuộc của các tổ chức chính trị-xã hội với Mặt trận, cần tính đến tính độc lập trong hoạt động, đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ, bộ máy kiểm tra nội bộ, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động, đồng thời tránh chồng chéo chức năng.
Phát huy vai trò nông dân trong góp ý sửa đổi Hiến pháp
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Như Nguyện, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Với vai trò là tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm trong việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
"Việc lấy ý kiến cán bộ, hội viên, nông dân không chỉ phát huy quyền làm chủ, thể hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà còn giúp tiếp thu các ý kiến thiết thực, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi và đồng thuận xã hội cao đối với Dự thảo", ông Nguyện khẳng định.

Ông Phan Như Nguyện, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Việc lấy ý kiến cán bộ, hội viên, nông dân không chỉ phát huy quyền làm chủ, thể hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn và tâm huyết của các đại biểu tham dự Hội thảo, ông Nguyện cho biết, các ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, nhất là về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Trong đó, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến quy định về vị trí, vai trò, mối quan hệ tổ chức giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thành viên. "Nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc sử dụng thuật ngữ "trực thuộc" để bảo đảm tính tự chủ, độc lập tương đối của các đoàn thể trong hệ thống Mặt trận", ông Phan Như Nguyện nhấn mạnh.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, ông Nguyện cho rằng các đại biểu đề xuất cần nghiên cứu kỹ, phù hợp với đặc thù từng địa phương; việc tổ chức lại chính quyền các cấp cần bảo đảm không gián đoạn, không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững. Đồng thời, kiến nghị giữ nguyên cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương để phát huy vai trò giám sát của nhân dân thông qua cơ quan dân cử.
Ông Phan Như Nguyện khẳng định, Hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo cấp có thẩm quyền, góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, bảo đảm hiệu quả trong tổ chức, vận hành bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.