Phát huy vai trò dân vận trong giải phóng mặt bằng

Chậm giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ các dự án quá chậm, gây lãng phí lớn cho ngân sách, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Nhìn rõ hạn chế này, thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành cần phải làm tốt hơn nữa công tác dân vận nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn đối với nhiệm vụ khó này.

Lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung trao hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã bàn giao mặt bằng từ Quỹ vận động của phường. (Ảnh Hồng Thái)

Lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung trao hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã bàn giao mặt bằng từ Quỹ vận động của phường. (Ảnh Hồng Thái)

Giữa tháng 10/2024, sau khi được vận động, thuyết phục, hai hộ cuối cùng nằm trong kế hoạch cưỡng chế giải phóng mặt bằng mở rộng phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thanh Xuân Trung Nguyễn Mạnh Đạt cho biết, bằng sự kiên trì, linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động, các tổ công tác của phường đã đến từng gia đình, gặp gỡ trực tiếp để tuyên truyền, vận động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe kiến nghị của các hộ gia đình, đề xuất hướng giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân. Nhờ đó, dự án đã nhận được đồng thuận cao, triển khai theo đúng kế hoạch.

Công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án tại Hà Nội thời gian qua cũng tạo được chuyển biến nhờ làm tốt công tác dân vận. Mới đây, dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi sau nhiều năm bị tắc cũng đã bàn giao được toàn bộ mặt bằng sau quá trình tuyên truyền, vận động đồng bộ, kiên trì từ huyện đến cơ sở.

Mặc dù vậy, thành phố còn rất nhiều dự án ì ạch vì vướng mắc giải phóng mặt bằng, trong đó có những dự án trọng điểm như dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục; mở rộng Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai; tuyến đường nối đại lộ Thăng Long đến đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình… Theo Ban Thường vụ Thành ủy, quá trình thực hiện công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn còn một số địa phương, đơn vị để xảy ra vi phạm gây bức xúc trong nhân dân; tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp chưa được giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện nhiều dự án trên địa bàn, gây lãng phí nguồn lực cho phát triển...

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn, nguyên nhân chủ yếu do một số nơi cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong lập và triển khai quy hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; quá trình thực hiện còn thiếu giải pháp phù hợp, chưa huy động đồng bộ các tổ chức trong hệ thống chính trị cùng tham gia.

Trước tình hình này, ngày 28/11/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về đẩy mạnh công tác dân vận trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Nội, nhằm bảo đảm thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Chỉ thị nêu rõ: “Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy hiệu quả trong phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong cung cấp thông tin liên quan và thực hiện công tác dân vận đối với việc lập và triển khai quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ nơi phát sinh, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.

“Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo tiếp tục phát động sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”; nhân rộng, biểu dương, khen thưởng những mô hình, điển hình trong vận động nhân dân tham gia ý kiến xây dựng, thực hiện quy hoạch, đồng thuận bàn giao mặt bằng triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội”, đồng chí Đỗ Anh Tuấn cho biết. Các cấp, các ngành cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục quan tâm công tác tiếp công dân, đối thoại với nhân dân và giải quyết đơn thư, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy làm công tác quy hoạch; công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác quy hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...

Đáng chú ý, ban hành kèm theo Chỉ thị số 36 còn có Phụ lục nhận diện và xử lý những hành vi vi phạm dân chủ trong công tác quy hoạch (11 biểu hiện); công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (bảy biểu hiện). Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy cũng lưu ý đối chiếu với quy định pháp luật liên quan và tình hình thực tế tại từng địa phương, đơn vị để nhận diện thêm những hành vi vi phạm dân chủ ■

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-huy-vai-tro-dan-van-trong-giai-phong-mat-bang-post853957.html