Phát huy vai trò đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 6-11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ sẽ quan tâm phát huy vai trò dẫn dắt, đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn và các cực tăng trưởng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các bộ trưởng, trưởng ngành đã cố gắng làm rõ những vấn đề, trong đó có những vấn đề đã nghiêm túc chỉ đạo, đạt được những kết quả cụ thể. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề phức tạp, cần có thời gian, nguồn lực, thống nhất trong hệ thống để có thể thực hiện hiệu quả.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết, Quốc hội đã có Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Căn cứ vào đó, Chính phủ đã có Nghị quyết ban hành Chương trình hành động thực hiện, đưa ra 14 mục tiêu rõ ràng, 102 nhiệm vụ cụ thể.

Tất cả các nhiệm vụ này, hiện nay các bộ ngành, các địa phương đã triển khai. Tuy nhiên, hiện nay, mới sau 2 năm thực hiện một kế hoạch kéo dài 5 năm, nên các công việc chưa hoàn thành toàn bộ. Cụ thể, có 37 nhiệm vụ đã hoàn thành, đã có văn bản, 28 nhiệm vụ đang triển khai hoàn thiện để có văn bản phê duyệt…

Trong đó, nhiều chính sách đã phát huy tác dụng, tạo dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ, sử dụng linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho tăng trưởng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khai thông tin thêm, còn một số chỉ tiêu cần phấn đấu nỗ lực hơn nữa, cụ thể là tỷ trọng chi cho khoa học, công nghệ, năng suất lao động… đồng thời cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa thay đổi đáng kể.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy vai trò dẫn dắt, đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn, các cực tăng trưởng, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, phát triển kinh tế xanh bền vững, dịch vụ chất lượng cao.

Phối hợp hành động để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm chi ngân sách nhà nước 2.864,8 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.

Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) về kéo dài thời gian thực hiện vốn đầu tư công hằng năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ Luật Đầu tư công quy định thẩm quyền phê duyệt và quyết toán vốn đầu tư công và dự án đầu tư công. Theo đó, thẩm quyền ở trung ương giao cho Chính phủ, ở địa phương giao cho HĐND. Muốn thay đổi thẩm quyền thì phải sửa luật. Bộ sẽ xem xét để có kiến nghị về vấn đề này.

Về tháo gỡ khó khăn thực hiện Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cần cải cách thủ tục hành chính, nhất là phần về chuẩn bị đầu tư từ chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế, dự toán, lập hồ sơ mời thầu, giải phóng mặt bằng… Đây là những khâu kéo dài nhất, khiến vốn không giải ngân được gây ứ đọng ngân sách gây ra lãng phí.

Do đó cần có giải pháp rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính các khâu này. Trong đó, giải phóng mặt bằng cần tách ra khỏi dự án. Vốn chuẩn bị đầu tư nên cho dùng chi thường xuyên giao địa phương, bộ, ngành lập dự án và trên cơ sở đó để có bố trí vốn. Vốn ODA cũng cần có cải cách.

Trả lời chất vấn về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định của pháp luật đã phân cấp việc kéo dài thực hiện vốn và kế hoạch đầu tư công hằng năm cho HĐND cấp tỉnh. Hiện nay, trong thực hiện mất nhiều thời gian do tất cả đều trình lên cấp tỉnh, trong khi đó, ngân sách có 3 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện. Các địa phương đang đề nghị phân cấp xuống cho UBND cấp tỉnh hoặc ở cấp nào kéo dài vốn ở cấp đó.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của các đại biểu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của các đại biểu.

Về chất vấn liên quan đến tín dụng cho các dự án BOT của đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 30-9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý nợ nhóm 3 (nợ xấu) chiếm 3,83%, nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52% - đây là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3. Nguyên nhân chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu. Do vậy, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-huy-vai-tro-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-cua-cac-do-thi-lon-647159.html