Lạc Sỹ là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy nhưng đã có cán bộ, công chức xã có trình độ thạc sĩ. Nhiều trạm y tế ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã có bác sỹ về công tác. Từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn, đội ngũ trí thức của tỉnh đang đóng góp trí tuệ, kiến thức cho sự phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Trung tâm Y tế huyện Mai Châu thu hút được đội ngũ trí thức trình độ cao đến làm việc, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc Nhân dân vùng cao. Là Trung tâm Y tế (TTYT) của một huyện vùng cao với nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng nhiều năm nay, TTYT huyện Mai Châu luôn nằm trong top đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt, trung tâm đã thu hút được đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế có trình độ cao về công tác. Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Lường Thúy Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: TTYT huyện có 224 cán bộ, nhân viên, trong đó, khối trung tâm có 111 cán bộ, tuyến xã 113 cán bộ. Khối trung tâm có 1 thạc sĩ, 16 bác sỹ chuyên khoa I, 80 nhân viên y tế có trình độ cao đẳng, đại học; về trình độ lý luận chính trị có 1 trình độ cao cấp, 15 trung cấp và 18 sơ cấp. Đối với tuyến xã, có 31 đồng chí trình độ đại học; 82 đồng chí trình độ cao đẳng, trung cấp. Chất lượng đội ngũ y, bác sỹ từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, áp dụng phương pháp, kỹ thuật mới, hiện đại trong điều trị bệnh. Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã là 28.928 người. Trong đó, trình độ tiến sĩ, chuyên khoa II là 32 người (chiếm 0,11%), thạc sĩ, chuyên khoa I là 1.068 người (chiếm 3,7%), đại học 15.373 người (chiếm 53,14%), cao đẳng 6.112 người (chiếm 21,13%). Về trình độ lý luận chính trị có 622 người trình độ cử nhân và cao cấp (chiếm 2,15%, 1.372 người trình độ trung cấp (chiếm 4,74%), 3.626 người trình độ sơ cấp (chiếm 12,53%). Tỷ lệ phân bố trí thức tương đối đồng đều, tại một số vùng cao, vùng khó khăn vẫn có nhiều trí thức đã qua đào tạo có mặt ở tất cả các lĩnh vực của đời sống KT-XH. Đội ngũ trí thức đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tâm huyết trong nghiên cứu và đề xuất những giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp GD&ĐT, y tế, KH-CN, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh; phát huy được vai trò của mình trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, QP-AN. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ trí thức đã giữ vai trò nòng cốt, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham mưu, định hướng xây dựng các chính sách, nghiên cứu sáng tạo, giảng dạy, cung cấp luận cứ khoa học… Ngoài ra, đội ngũ trí thức của tỉnh đã tham gia tư vấn, phản biện các đề án, kế hoạch, quy hoạch quan trọng của tỉnh như: Kế hoạch phát triển KT-XH; đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trong phạm vi tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đề án "Phát triển KH&CN tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”… Để tôn vinh những đóng góp của đội ngũ trí thức tỉnh, đầu tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức tôn vinh 20 trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu của tỉnh. Đây là hoạt động ý nghĩa, khẳng định và ghi nhận đóng góp của đội ngũ trí thức tỉnh. Đồng thời, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng KH&CN trong phát triển KT-XH địa phương. Dương Liễu