Phát huy vai trò giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện các cam kết CPTPP và EVFTA
Tại Hội thảo khoa học 'Thực hiện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật theo các cam kết quốc tế về môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP và EVFTA' vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, CPTPP và EVFTA là hai hiệp định thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng, toàn diện và mức độ cam kết cao nhất từ trước tới nay. Điều này đặt ra yêu cầu nội luật hóa với khối lượng công việc lớn, đồng thời cần tăng cường, phát huy vai trò và trách nhiệm giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện các cam kết.
Tiêu chuẩn cao, yêu cầu nội luật hóa liên tục
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được Quốc hội phê chuẩn lần lượt vào năm 2018 và năm 2020 là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trở thành những cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Đây là hai hiệp định có phạm vi cam kết rộng, toàn diện và mức độ cam kết cao nhất từ trước tới nay. Đây còn là hai hiệp định mà Việt Nam tham gia với tư cách độc lập (không phải với tư cách là thành viên cộng đồng ASEAN). Điều này đặt ra những yêu cầu và thách thức nhất định trong quá trình áp dụng các quy định của CPTPP và EVFTA. Công tác xây dựng pháp luật thực thi CPTPP và EVFTA vì thế cũng trở nên khác biệt so với các FTA trước đó.
TS. Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết thêm, nếu so sánh với các hiệp định của WTO thì CPTPP và EVFTA là hai FTA thế hệ mới với những đặc điểm: Thứ nhất, phạm vi cam kết rộng, bao gồm cả các nội dung vốn được coi là phi thương mại như lao động, môi trường, cam kết phát triển bền vững và quản trị tốt. Thứ hai, có nhiều nội dung mới với nhiều chế định thương mại mới hoặc lần đầu tiên được cam kết trong một FTA (như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ…). Thứ ba, chứa đựng nhiều cam kết về thể chế, chính sách pháp luật nội địa (những vấn đề sau đường biên giới).
Bên cạnh đó, các nội dung đã có trong các FTA trước đây và các hiệp định của WTO nay được xử lý sâu sắc hơn và với tiêu chuẩn cao hơn. Cụ thể là yêu cầu/đòi hỏi cao hơn mức của các cam kết WTO về cùng vấn đề (hay gọi là “cam kết WTO+”, ví dụ các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ, biện pháp đầu tư…) hoặc có yêu cầu cao hơn hiện trạng pháp luật ở các nước thành viên trong các khía cạnh mà WTO không đề cập (ví dụ các cam kết về lao động, môi trường, thương mại điện tử…). Vì vậy yêu cầu nội luật hóa với khối lượng công việc lớn hơn, tính chất phức tạp, ở các khía cạnh thậm chí chưa từng đặt ra trong các FTA trước đó.
Để nội luật hóa các cam kết trong CPTPP và EVFTA, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 và Nghị quyết số 102/2020/QH14, trong đó nêu rõ việc cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều luật có liên quan như: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Bộ luật Lao động năm 2012; Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015… Ở những năm đầu tiên sau khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực, có thể nói nước ta đã hoàn thành cơ bản công tác nội luật hóa. Tuy nhiên, tính chất phức tạp của các FTA thế hệ mới đặt ra yêu cầu nội luật hóa liên tục và phải thường xuyên rà soát pháp luật trong nước để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, TS. Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.
Xây dựng lộ trình giám sát
Tại các Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn hai Hiệp định CPTTP và EVFTA đều quy định thẩm quyền giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện các cam kết theo Hiệp định CPTTP và EVFTA. Trong thực tế, đối với hoạt động giám sát về việc thực thi các FTA nói chung và CPTTP, EVFTA nói riêng, đến nay mới chỉ có giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” vào năm 2020. Đây là lần đầu tiên Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát về chủ đề này kể từ khi FTA đầu tiên có hiệu lực vào năm 1993 (AFTA). Gần đây nhất, tháng 11.2021, Ủy ban Đối ngoại đã khảo sát tác động của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên tới các doanh nghiệp và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới việc triển khai các FTA giai đoạn 2019-2021. Qua khảo sát, Ủy ban Đối ngoại đã tiếp nhận được nhiều ý kiến về những khó khăn, vướng mắc, rào cản chính sách đang cản trở các doanh nghiệp tận dụng những ưu đãi mà các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đem lại.
Theo TS. Hoàng Thị Lan, Văn phòng Quốc hội, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực thi các FTA là một tín hiệu đáng mừng thể hiện sự quan tâm cũng như khẳng định vai trò và trách nhiệm của Quốc hội với tư cách vừa là chủ thể có trách nhiệm thực hiện, vừa là chủ thể giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế theo các FTA. Song điều này cũng cho thấy “khoảng trống” khi sau gần 30 năm thực hiện FTA đầu tiên mới có một giám sát chuyên đề về nội dung này (và chưa có hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội). Điều này có thể được lý giải do việc giám sát thực thi các cam kết theo FTA nói chung và CPTTP, EVFTA nói riêng được được lồng ghép trong hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Tuy nhiên, với những đặc trưng của các FTA thế hệ mới, quan điểm này cần được thay đổi. Theo đó cần nâng cao nhận thức, coi trọng và xác định rõ vị thế, tầm quan trọng của việc thực thi các cam kết theo Hiệp định CPTTP và EVFTA, từ đó tăng cường các hoạt động giám sát của Quốc hội về việc thực thi các cam kết này. Đồng thời, cần nâng cao giá trị pháp lý của hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội trong thực thi CPTTP và EVFTA. Đây là một trong những nội dung đã được nhấn mạnh trong kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.
Đồng quan điểm, một số ý kiến đề xuất, cần xác định thứ tự ưu tiên để xây dựng kế hoạch, lộ trình giám sát. Trước mắt, tập trung vào việc giám sát hoạt động nội luật hóa đã phù hợp và bảo đảm các yếu tố về thầm quyền, tương thích với hệ thống pháp luật trong nước hay chưa. Sau đó là giám sát việc thực thi và giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp, công dân liên quan đến việc thực thi các cam kết này, trong đó tập trung giám sát các tranh chấp liên quan đến việc thực hiện CPTTP và EVFTA. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh của CPTTP và EVFTA rất đa dạng, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân và các doanh nghiệp. Do vậy, cần phát vai trò và trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc giám sát thực thi các cam kết theo CPTTP và EVFTA khi nội dung của hai Hiệp định được thực thi tại địa phương, đơn vị ứng cử.