Phát huy vai trò kiểm toán trong ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán để phát hiện sớm hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực qua kiểm toán
Trả lời chất vấn của đại biểu về phòng, chống tham nhũng qua kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 5 năm qua (từ 2019-2023), cơ quan Kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, trong đó có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án liên quan đến tham nhũng.
Ngoài ra, trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực được Kiểm toán Nhà nước coi trọng.
Trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc và nâng cao nâng chất lượng các báo cáo kiểm toán để cho những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực. Nếu phát hiện hành vi tham nhũng tiêu cực, Kiểm toán Nhà nước sẽ củng cố hồ sơ và chuyển sớm đến cơ quan điều tra, đặc biệt việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng về trách nhiệm của kiểm toán trong việc thực thi kiểm toán đối với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tiêu cực.
Liên quan đến vấn đề đại biểu nêu về kiểm toán không phát hiện ra sai phạm nhưng các cơ quan chức năng khác vào cuộc phát hiện ra, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay, đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà sát phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm. Nếu có lỗi, tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính, làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể...
Về thực hiện phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành được đại biểu quan tâm, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, đây là nhiệm vụ được quan tâm. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước quan tâm giáo dục về chính trị, tư tưởng, kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Đảng, các văn bản mới của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao vai trò của người đứng đầu, tổ tưởng tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán; Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của kiểm toán, xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực…
Kiểm toán những vấn đề dư luận xã hội quan tâm
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần đảm bảo kỷ luật kỷ cương tài chính Nhà nước; quản lý sử dụng có hiệu quả tài chính, tài sản công; giúp Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã cung cấp những thông tin xác thực, chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị và có kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Còn có kiểm toán viên vi phạm quy chế làm việc, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Còn một số trường hợp chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có những giải pháp hiệu quả để khắc phục. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cần đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; tập trung kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là những vấn đề dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Kiểm toán Nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi công vụ…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.