Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong bảo vệ và phát triển rừng

Đồng chí Lương Minh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy (đi trước) và đại diện ngành chức năng kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại khu rừng đặc dụng Krông Trai (huyện Sơn Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Từ năm 2017 đến nay, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực, tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp có chiều hướng giảm, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh được duy trì bảo vệ ổn định, tỉ lệ che phủ của rừng toàn tỉnh liên tục tăng.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 13 ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 15 ngày 4/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết quả đến nay có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ nhận thức đến hành động về tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng của từng chi bộ, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được nâng lên.

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Thực hiện Chỉ thị 13, Chỉ thị 15, các sở, ngành và địa phương đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển rừng.

Ngành chức năng và địa phương đã tổ chức điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, cắm mốc ranh giới các loại rừng. Đến nay, nhiều chủ rừng đã thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; chính quyền địa phương đã kiện toàn ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng 810 phương án và 50 quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Nguyễn Lý Nguyên cho biết thêm, từ năm 2017-2019, tổng diện tích rừng trồng ở Phú Yên khoảng 18.635ha (đạt tỉ lệ bình quân 128%/năm so với kế hoạch), trồng phân tán trên 3 triệu cây, diện tích chăm sóc rừng khoảng 32.130ha. Sở NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cây giống để phục vụ trồng rừng như các dòng keo lai và các loài cây bản địa như giáng hương, gõ đỏ, sao đen, dầu rái và kết hợp trồng lâm sản dưới tán rừng như sa nhân, mây nếp.

Từ năm 2017, Phú Yên đã triển khai đề án Trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Đến nay, tỉnh đã trồng khoảng 1.120ha rừng kinh doanh gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn khoảng 585ha.

Đối với công tác quản lý theo hướng bền vững, đến nay ở Phú Yên có khoảng 9.550ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC (quản lý rừng theo hướng bền vững). Nhờ triển khai tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể, cụ thể như năm 2016 đạt 38,2% thì đến năm 2019 là 44,24% và đến năm 2020 là 45%.

Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu, cho biết: Hiện nay, Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu quản lý khoảng 13.900ha rừng; trong đó rừng phòng hộ khoảng 7.570ha, rừng sản xuất khoảng 5.550ha, còn lại là diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Đối với số diện tích rừng sản xuất, đơn vị đang xin chủ trương thực hiện liên kết, hợp tác đầu tư phát triển rừng và đăng ký chứng chỉ rừng hướng tới mục đích quản lý bền vững.

Ngoài ra, Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu đang xây dựng kế hoạch và sẽ triển khai trồng cây trà mã dọ dưới tán rừng. Đây là một loại trà mọc tự nhiên, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Sông Cầu nhưng có giá trị kinh tế rất cao…

Còn theo ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, thời gian qua, huyện Tây Hòa đã triển khai nhiều giải pháp không chỉ bảo vệ mà phát triển rừng trồng theo hướng năng suất, chất lượng cao. Các cơ sở đảng, chính quyền địa phương đồng loạt triển khai các giải pháp và xem công tác bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt trong năm, lấy hiệu quả thực hiện làm một trong những tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.

Bảo vệ tốt 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, vai trò trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đời sống người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số còn nghèo, sống phụ thuộc vào rừng nên vẫn còn tình trạng khai thác gỗ, xâm lấn rừng trái phép, tình trạng cháy rừng, săn bắt động vật hoang dã còn xảy ra; vẫn còn xuất hiện một số điểm nóng về khai thác rừng trái phép, nhất là những vùng giáp ranh giữa các huyện, các tỉnh, vùng sâu, vùng xa.

Lực lượng kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Bình Định phối hợp tuần tra khu vực rừng giáp ranh. Ảnh: ANH NGỌC

Lực lượng kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Bình Định phối hợp tuần tra khu vực rừng giáp ranh. Ảnh: ANH NGỌC

Tình trạng xung đột, tranh chấp, xâm lấn đất rừng giữa người dân với các ban quản lý rừng vẫn còn phức tạp, hạ tầng lâm nghiệp chưa phát triển. Mặc dù diện tích rừng của tỉnh liên tục tăng qua từng năm, nhưng nguồn nhân lực ngày càng thiếu hụt gây khó khăn cho công tác kiểm soát tình hình phá rừng, cháy rừng trên địa bàn. Là một tỉnh có quỹ đất lâm nghiệp khá lớn, nhưng nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho địa phương để thực hiện phát triển rừng còn hạn chế…

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, nhiệm vụ trong thời gian tới là phấn đấu bảo vệ tốt 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có của tỉnh, phấn đấu mỗi năm giảm tối thiểu 20% số vụ vi phạm và diện tích rừng thiệt hại so với năm trước, duy trì độ che phủ của rừng khoảng 1%/năm và đến năm 2025 đạt 48%.

Phú Yên tiếp tục phát triển diện tích rừng trồng của tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 150.000ha, thực hiện giao khoán bảo vệ rừng khoảng 72.200ha, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn khoảng 1.000ha. Trước mắt, tỉnh sẽ tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên; tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả rừng trồng theo phương án quản lý rừng bền vững của các chủ rừng, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến sâu đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, nhằm giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân gắn với nghề rừng; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế, công nghệ để đầu tư hoặc liên doanh, liên kết bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp gây tổn hại đến tài nguyên rừng.

Đối với công tác phát triển lâm nghiệp bền vững, các địa phương cần quan tâm đúng mức, cần lãnh đạo tập trung, toàn diện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Các sở, ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác khuyến lâm, đưa các ứng dụng khoa học công nghệ vào lâm nghiệp, giúp người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, làm giàu từ rừng, gắn bó người dân với rừng; xây dựng các chính sách đặc thù của tỉnh để tạo động lực thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển.

Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/247611/phat-huy-vai-tro-lanh-dao-cua-dang-trong-bao-ve-va-phat-trien-rung.html