Phát huy vai trò MTTQ các cấp trong giám sát, phản biện xã hội
Những năm qua, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Ảnh: PV
Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên để lựa chọn nội dung giám sát, phản biện. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hiệp thương lựa chọn nội dung, chương trình giám sát, phản biện xã hội, báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra hằng năm của tỉnh, tránh chồng chéo, trùng lặp. Nhờ vậy, các nội dung giám sát luôn được thống nhất, tập trung vào các lĩnh vực: Cải cách hành chính; hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; quyền và lợi ích cơ bản của người dân; những vấn đề dư luận xã hội và nhân dân quan tâm; nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử.
Từ năm 2016 đến nay, thông qua các hình thức giám sát của MTTQ Việt Nam, nhất là phát huy hình thức giám sát thường xuyên, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì, tổ chức trên 700 cuộc giám sát về các nội dung: Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phục vụ hành chính; thực hiện kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện kinh phí, các chế độ, chính sách hỗ trợ hoạt động khu dân cư cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, khu dân cư; quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp công dân, giải quyết đơn thư của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã; giám sát trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân của các cơ quan quản lý nhà nước... Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cấp huyện đã tổ chức 123 hội nghị phản biện trực tiếp và tham gia phản biện vào trên 500 dự thảo văn bản, như: Nghị quyết, đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế, xã hội theo yêu cầu của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Riêng MTTQ Việt Nam cấp xã, từ năm 2016 đến nay, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực hiện 5.547 cuộc giám sát, tập trung vào các nội dung: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới; các khoản đóng góp, xây dựng phúc lợi cộng đồng; thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển, giảm nghèo; chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách, pháp luật về thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; thực hiện các quy ước, hương ước ở khu dân cư... Qua đó, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để nhân dân tham gia ngày càng rộng rãi, thực chất hơn vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần nâng cao dân sinh, dân trí, dân chủ và thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp, pháp luật.
Ngoài các hoạt động giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cấp huyện đã phối hợp tham gia các hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy quy chế phối hợp công tác. Qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đã kiến nghị những giải pháp, nhằm thực hiện đúng và hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Chú trọng lồng ghép tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng, nghiên cứu nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương về công tác giám sát, phản biện xã hội. Tổ chức tốt việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, giao ban học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương về hoạt động giám sát, phản biện xã hội để có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này.