Phát huy vai trò người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân đồng bào DTTS

Những năm qua, đội ngũ người có uy tín (NCUT), nhân sĩ, trí thức, doanh nhân là người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Thường Xuân đã trở thành 'cầu nối' giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào các dân tộc, từ đó củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Người có uy tín Lê Đức Tiến (ngoài cùng bên phải), thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng tuyên truyền Nhân dân thực hiện tốt phong trào, cuộc vận động tại địa phương.

Người có uy tín Lê Đức Tiến (ngoài cùng bên phải), thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng tuyên truyền Nhân dân thực hiện tốt phong trào, cuộc vận động tại địa phương.

Gặp ông Lê Đức Tiến, NCUT thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng vào buổi chiều đầu tháng 8 khi ông đang tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm cùng bà con trong thôn. Nhìn cách làm nhiệt tình, trách nhiệm, chúng tôi nhận thấy rõ sự tâm huyết của ông với công việc chung của thôn. Ông Tiến cho biết: “Trước khi triển khai chương trình XDNTM, cơ sở hạ tầng trong thôn chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông chủ yếu là đường đất, đi lại khó khăn; nhà văn hóa thôn chưa đáp ứng nhu cầu người dân... Vì vậy, với vai trò là NCUT, tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của cấp trên cũng như bà con Nhân dân”.

Để làm tốt việc tập hợp quần chúng, ông Tiến đã chủ động phối hợp với cấp ủy, ban công tác mặt trận thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức, đồng lòng trong thực hiện các tiêu chí XDNTM. Đến nay, 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa; người dân trong thôn đã tự nguyện hiến 5.000m2 đất để mở rộng tuyến đường rộng từ 3m lên 5m; bê tông hóa hơn 2km đường giao thông nội thôn; kiên cố hóa gần 1km đường giao thông nội đồng. Cùng với kích cầu của Nhà nước, Nhân dân đóng góp ngày công và tiền để tiếp tục chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, với đầy đủ các thiết chế văn hóa...

Hiện nay, huyện Thường Xuân có 16 xã, thị trấn với 124 thôn, bản; trong đó đồng bào các DTTS chiếm 58,3% dân số; có 2.458 nhân sĩ, trí thức (hơn 918 nhân sĩ, trí thức người DTTS); hơn 20 doanh nhân DTTS, 112 NCUT. Những năm qua, đội ngũ NCUT, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS có nhiều đóng góp vì sự phát triển của quê hương. Cùng với tích cực tham gia XDNTM, đô thị văn minh, ngày càng có nhiều tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế. Tiêu biểu như ông Vi Văn Thìn, dân tộc Thái, ở thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, Giám đốc Công ty TNHH TT88 may túi siêu thị xuất khẩu đã nỗ lực phấn đấu, kiên trì xây dựng thương hiệu, giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng/người. Bà Lò Thị Thanh, dân tộc Thái, ở thôn Thành Lãm, xã Tân Thành đi đầu trong phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi. Hằng năm, tổng doanh thu đạt 220 triệu đồng, bà Thanh còn tạo công việc, thu nhập cho 6 lao động và hỗ trợ các gia đình khó khăn xây dựng nhà ở...

Bên cạnh đó, cùng với việc loại bỏ những hủ tục, đây cũng là những người có nhiều đóng góp trong gìn giữ phong tục tốt đẹp của địa phương, như: tổ chức lễ mừng cơm mới và hội đua thuyền hằng năm tại bản Mạ (thị trấn Thường Xuân); lễ hội Nàng Han, xã Vạn Xuân; khôi phục tín ngưỡng thờ trời tại thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang là nòng cốt, đi đầu cùng với các cấp, các ngành, trưởng dòng họ, NCUT tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS đoàn kết một lòng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực; bảo vệ an ninh biên giới, ngăn chặn các luận điệu chống phá của kẻ xấu, mê tín dị đoan, sinh hoạt tín ngưỡng trái quy định. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội ở từng thôn bản, khu dân cư, xã, thị trấn và trong phạm vi cả huyện; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài và ảnh: Trung Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-nhan-si-tri-thuc-doanh-nhan-dong-bao-dtts-221475.htm