Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi

Già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn là cầu nối rất quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, họ đi đầu trong những việc khó, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền vận động Nhân dân đẩy lùi tập tục lạc hậu, xây dựng bản làng giàu đẹp… đoàn kết vươn lên thoát nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bài viết đưa ra giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn việc bồi dưỡng, xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân, đời sống kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi đã được cải thiện rõ rệt. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được tăng cường; cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện.

Đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi có 97/148 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 120/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 81%), trong đó, 52/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 43,3%).

Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín để phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện Quyết định 2561/QĐ-TTg ngày 31/12/2016, của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số”. Quyết định nhằm tăng cường vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện tốt công tác dân tộc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người có uy tín là người nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương nơi cư trú và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân; bản thân và gia đình họ gương mẫu, có đóng góp tích cực đối với cộng đồng; am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc nơi cư trú; có cách ứng xử, giải quyết tốt mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng; là người tiêu biểu, có mối liên hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng lớn và khả năng tập hợp đồng bào dân tộc ở những phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Việc lựa chọn người có uy tín phải đảm bảo nguyên tắc: Đúng tiêu chí, tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giữa các dân tộc.

Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ngãi năm 2022 (Ảnh minh họa)

Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ngãi năm 2022 (Ảnh minh họa)

Trong 5 năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đồng lòng, đoàn kết, sát cánh cùng nhau xây dựng quê hương, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng vững mạnh. Đạt được những kết quả đó, nhờ có sự đóng góp quan trọng của các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các bản làng. Họ chính là nhân tố tạo ra sự đoàn kết, là cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân các địa phương ở vùng cao.

Ban Dân tộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, cụ thể đã cấp 404.403 tờ báo Quảng Ngãi, 159.975 tờ báo Dân tộc và Phát triển; cấp 778 đài rađio cho 778 lượt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức 5 đoàn đại biểu người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh, có 185 người có uy tín tham gia; Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 5 năm (2015-2020) thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tháng 2/2021.

Các huyện miền núi đã tổ chức 29 lớp phổ biến, tuyên truyền để cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và kết quả thực hiện các Chương trình, dự án, đề án chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương; 27 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng.

Các huyện tổ chức 17 đoàn đại biểu người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong tỉnh và đến thăm, làm việc với Ban Dân tộc tỉnh. Thăm và tặng quà cho 740 lượt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Nguyên đán và Tết của đồng bào dân tộc thiểu số. Ủy ban nhân dân các huyện đã tổ chức 9 hội nghị gặp gỡ, biểu dương, khen thưởng cho 124 lượt người có uy tín tiêu biểu trong việc phát huy vai trò của người có uy tín tại địa phương.

Quảng Ngãi hiện có 2.251 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 6 huyện. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương và các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã quan tâm thực hiện chính sách và các giải pháp để tập trung, củng cố và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đây là một lực lượng quan trọng và nòng cốt trong việc vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để phát huy vai trò của người có uy tín, hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc chủ trì phối hợp các ngành hướng dẫn cấp cơ sở bình chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm thăm hỏi, tặng quà tết, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhận thức được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn tỉnh ngày càng thể hiện rõ vai trò, vị trí và uy tín của mình trong việc vận động Nhân dân tham gia lao động sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh có ảnh hưởng lớn trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc; chống truyền đạo trái pháp luật...

Vận động cộng đồng trong việc phát triển sản xuất, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong, Hrê thời gian qua đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới. Từ đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc bảo vệ biên giới, xây dựng bản làng bình yên, cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm”, “Kết nghĩa bản với bản, hai bên biên giới” đã có sức lan tỏa sâu rộng và trở thành hành động tự giác của mỗi người dân ở khu vực biên giới.

Các già làng, trưởng bản, người có uy tín còn là những người giữ vai trò đầu tàu, gương mẫu trong phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong cộng đồng dân cư. Cùng với việc thực hiện cải tạo đất trống, đồi núi trọc để tăng thêm diện tích cây trồng và tăng thu nhập, họ còn vận động Nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cho năng suất cao. Ngoài ra, họ còn giúp nhiều hộ nghèo tại địa phương thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt.

Người có uy tín góp phần tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh thiếu niên về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tham gia tích cực giải quyết các vụ việc xảy ra tại cơ sở, không để diễn biến phức tạp về an ninh trật tự. Vận động Nhân dân cam kết không trồng, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy; tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", góp phần tích cực trong việc xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn bản làng sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm thiểu các hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan.

Tiếp tục kế thừa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đội ngũ người có uy tín, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Từ đó yêu cầu tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, địa bàn khó khăn, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tiếp tục phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Họ cần được thường xuyên phổ biến, cập nhật các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bồi dưỡng kiến thức, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm ở những địa bàn, vùng đặc thù.

Chính vì thế, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã đề cập tới việc “Biểu dương, tôn vinh, điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín…”.

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 (khóa XIX) mới đây đã thống nhất đưa ra một số chỉ tiêu có tính định hướng chủ yếu. Theo đó, 6 huyện miền núi phấn đấu đến năm 2025, tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm từ 48 - 59%; công nghiệp, xây dựng đạt 49% và dịch vụ từ 32 - 43%; có 98 - 100% hộ dân được sử dụng điện, 85-100% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm; hàng năm giải quyết việc làm từ 5.000 - 6.000 lao động.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng cho dân sản xuất; nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước về rừng, đất rừng theo hướng đảm bảo các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều có đất, có rừng sản xuất. 6 huyện miền núi tiếp tục kêu gọi đầu tư một số cơ sở công nghiệp chế biến nông - lâm sản ở những nơi có điều kiện; phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống; nâng cao hiệu quả hoạt động các chợ trung tâm huyện, trung tâm xã; đầu tư nâng cấp xây dựng các tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng khu vực miền núi.

Ngoài ra, các huyện miền núi thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; có cơ chế chính sách hỗ trợ có điều kiện cho các hộ nghèo, hạn chế tối đa việc hỗ trợ không điều kiện, trong đó ưu tiên hỗ trợ sản xuất phù hợp với từng đối tượng, tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo.

Đó là những chính sách kịp thời để khuyến khích những người có uy tín phát huy được hết ý nghĩa, vị trí, vai trò vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, sớm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong cả nước.

Một số giải pháp thực hiện tốt việc bồi dưỡng, xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Một là, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình tổng thể, toàn diện, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần chú trọng việc phát huy sức mạnh và sự tham gia của người dân trong triển khai các chương trình, dự án, đặc biệt là sự tham gia của già làng, trưởng bản, người có uy tín là rất quan trọng trong quá trình giám sát triển khai các dự án ở cơ sở.

Hai là, các cấp, các ngành nói chung, lực lượng Công an, Quân đội nói riêng tiếp tục tổ chức quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác vận động quần chúng; nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng. Họ chính là cái gốc, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong cuộc sống và tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ba là, cần có chính sách, khen thưởng, động viên kịp thời người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thôn bản. Thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho người có uy tín, tháo gỡ những vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng. Tạo mọi điều kiện để những người có uy tín được nghiên cứu, giao lưu nâng cao nhận thức và đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hằng năm thực hiện tốt, có hiệu quả việc chi hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần cho đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh theo đúng chế độ, chính sách quy định; làm tốt công tác nắm tình hình việc tổ chức thực hiện chính sách đối với đội ngũ người có uy tín trên địa bàn.

Bốn là, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo và tận dụng tối đa tiềm năng, để phát huy thế mạnh của địa phương, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, ổn định đời sống, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Năm là, làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện công tác dân tộc và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tài liệu tham khảo

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tập II, tr. 235.

(2) Ban Dân tộc và Miền núi Quảng Ngãi: Báo cáo Tổng kết 5 năm (2015-2020) phương hướng, nhiệm vụ (2020 -2025) phát huy vai trò Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Trần Cao Anh - Thạc sĩ, Học viện Chính trị khu vực III

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-trong-cong-dong-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-quang-ngai-55432.html