Phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng Đảng
Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và đối với công tác xây dựng Đảng nói riêng, Đảng coi việc củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược. Quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân bảo đảm cho sự tồn tại vững chắc của Đảng cũng như của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác dân vận để gắn ý Đảng với lòng dân, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, phát huy vai trò của nhân dân để xây dựng Đảng. Người viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Người khẳng định “trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”.
Để thực sự phát huy sức mạnh và trí tuệ của nhân dân trong xây dựng Đảng, phải thực hiện tốt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong các công việc hàng ngày ở cơ sở. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến giám sát công việc của Đảng, của Nhà nước, nhất là trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giám sát hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự phát huy tinh thần nêu gương trước nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở. Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên cơ sở thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với các hình thức phù hợp; giám sát, góp ý kiến từ khâu xây dựng chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện và sử dụng kết quả. Để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cần khẳng định quan điểm “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”.
Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Đảng, thực hiện tốt phong cách dân vận Hồ Chí Minh “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “nói đi đôi với làm”, sâu sát cơ sở. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân. Coi trọng công tác tuyên truyền, hướng vào những vấn đề nhân dân quan tâm nhằm cung cấp thông tin, giải tỏa những bức xúc, băn khoăn, tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải thực sự gắn bó với dân, hiểu dân, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng noi theo. Chỉ có như vậy mới củng cố, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, gắn ý Đảng với lòng dân, mới phát huy được sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.