Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ

Các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, nhấn mạnh muốn có đoàn kết thì Mặt trận phải vững mạnh, từ đó phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra

Hôm nay, 4/9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (T.Ư MTTQ) Việt Nam lần thứ 20, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và các Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, Trương Thị Ngọc Ánh, Hoàng Công Thủy, Tô Thị Bích Châu chủ trì Hội nghị.

4 điểm mới trong Dự thảo Báo cáo chính trị

Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã cụ thể hóa thành Đề án, Kế hoạch và hướng dẫn cụ thể; phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng chỉ đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, về cơ bản đã đạt được mục đích, yêu cầu của Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng đề ra. Đến nay đã hoàn thành Đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh (TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành Đại hội vào giữa tháng 9/2024).

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 20, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 20, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024

Cùng với hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và phối hợp chỉ đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các tiểu ban đã chủ động, tích cực chuẩn bị Báo cáo chính trị, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Điều lệ, đề án nhân sự, công tác tuyên truyền, các điều kiện khác để tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X.

Đáng chú ý, trình bày Tờ trình xin ý kiến về nội dung một số dự thảo văn bản trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024- 2029. Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho hay: trên cơ sở tiếp tục kế thừa và phát huy những điểm cơ bản, nổi trội của Báo cáo chính trị tại Đại hội nhiệm kỳ 2019-2024, đánh giá sâu sắc tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả thực hiện 5 Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội này có 4 điểm mới.

Thứ nhất, bổ sung đánh giá kết quả thực hiện một số nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện trách nhiệm, sự sáng tạo, kịp thời của hệ thống Mặt trận, chưa được đề ra trong nội dung Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024 như: tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19; triển khai Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên; xây dựng, xuất bản Cuốn sách “Phát huy truyền thống Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thứ hai, bổ sung nội dung nhận định, đánh giá khái quát quá trình 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng. Thứ ba, xây dựng phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ 2024-2029 theo hướng cụ thể, chi tiết, khả thi; bổ sung một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ theo hướng định lượng rõ rệt. Thứ tư, Chương trình hành động nhiệm kỳ 2024-2029 gồm 6 chương trình. Trong đó, tiếp tục kế thừa và phát huy 5 chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024 và bổ sung Chương trình mới: Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày Tờ trình xin ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam.

Theo đó, Dự thảo Điều lệ cơ bản giữ nguyên kết cấu của Điều lệ MTTQ Việt Nam hiện hành và dự kiến sửa đổi, bổ sung 2 Điều trên tổng số 37 Điều: Quy định về chế độ họp của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam từ 1 lần/năm thành 2 lần/năm để phù hợp chế độ thông tin, báo cáo và định hướng, cho ý kiến kịp thời đối với các hoạt động của MTTQ Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung để thể hiện rõ thẩm quyền của Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam theo Quy định số 120-QĐ/TW ngày 6/9/2023 của Bộ Chính trị trong việc thành lập Hội đồng tư vấn ở cấp T.Ư.

Đáng chú ý, có một số nội dung cụ thể như: sửa đổi, bổ sung Điều 12 - Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, cộng tác viên, nhằm bảo đảm phù hợp tình hình thực tế, nhu cầu và sự cần thiết thành lập tổ tư vấn ở cấp xã hiện nay (thực tế đã có 43/63 tỉnh, TP thành lập được Tổ tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã). Cùng đó, việc sửa đổi bổ sung Điều 15- chế độ họp của Ủy ban MTTQ Việt Nam từ 1 lần/năm thành 2 lần/năm để phù hợp việc thông tin, báo cáo và định hướng, cho ý kiến kịp thời đối với các hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trình bày Tờ trình xin ý kiến Danh sách dự kiến nhân sự tham gia Ủy ban T.Ư, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thảo luận, đóng góp ý kiến

Các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thảo luận, đóng góp ý kiến

Nâng cao vai trò của Nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng

Tại Hội nghị, các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, bày tỏ đồng tình với dự thảo các văn bản đã được chuẩn bị công phu và mong muốn làm sâu sắc, nổi bật hơn, phản ánh đúng thực tiễn.

Đáng chú ý, ông Huỳnh Đảm- nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, dự thảo Báo cáo chính trị cần bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).

"Bám sát những nội dung Nghị quyết đã nêu, dự thảo Báo cáo chính trị nên đánh giá những kết quả đạt được và phương hướng trong nhiệm kỳ mới. Thực tế đến nay Cương lĩnh còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho suốt thời kỳ quá độ lên CNXH. Bởi vậy cần phải làm đậm nét việc quán triệt, tổ chức thực hiện cương lĩnh về nội dung đại đoàn kết và tăng cường mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam như thế nào. Muốn có đoàn kết thì Mặt trận phải vững mạnh, từ đó phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra- điểm này cần được bổ sung, đánh giá, rút kinh nghiệm"- ông Huỳnh Đảm kiến nghị.

Đồng thời, đại biểu này đề xuất, đối với phương hướng nhiệm kỳ 2024-2029, thông qua chương trình hành động thứ nhất, nên đẩy mạnh tuyên truyền để cả hệ thống chính trị nhận thức đầy đủ nội dung "Đại đoàn kết và Mặt trận, muốn có đoàn kết phải có Mặt trận mạnh". Đối với nhân sự trong nhiệm kỳ, nên làm rõ vị trí của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cấp huyện, cấp xã để mỗi người nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mà cấp ủy, chính quyền, Nhân dân tin tưởng giao phó.

Quang cảnh Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 20, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024

Quang cảnh Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 20, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024

Đánh giá cao các nội dung dự thảo trình Hội nghị, ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa-Xã hội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh phương châm “Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho Nhân dân” trong nhiệm kỳ 2019-2024 và cho rằng: điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là MTTQ và các tổ chức thành viên cùng cấp ủy, chính quyền đã vận động Nhân dân phát huy các nguồn lực xã hội, đoàn kết góp công, góp của để hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Vì thế, nên đánh giá đúng vài trò của giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam. Trong đó, giai cấp công nhân là lực lượng mạnh mẽ, nhất là trong đại dịch Covid-19, đời sống dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã đóng góp lớn vào công tác phòng chống dịch; giai cấp nông dân là “bệ đỡ” khi có dịch Covid-19. Nếu bổ sung những nội dung này vào văn kiện Đại hội, người dân sẽ rất phấn khởi.

Về kết quả thực hiện 5 Chương trình hành động, ông Nguyễn Túc chia sẻ, ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, chúng ta đã triển khai Nghị quyết Đại hội rất chu đáo, trong đó chú trọng việc chăm lo cuộc sống cho Nhân dân, nên Nhân dân có vai trò rất quan trọng.

"Muốn hạn chế tham nhũng, tiêu cực thì phải nâng cao vai trò của Nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Khi thực hiện việc này, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cũng được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa; nên tiếp tục phát huy và làm rõ vai trò Nhân dân làm chủ, lấy dân làm gốc để triển khai hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp"- ông Nguyễn Túc đề nghị.

Cũng theo đại biểu này, trong nhiệm kỳ tới cần phát huy vai trò của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Phó Chủ tịch không chuyên trách của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Chương trình hành động của Mặt trận đề cập những hoạt động nổi bật hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam.

Linh Chi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-huy-vai-tro-nong-cot-cua-mttq-cac-cap-trong-thuc-hien-cac-nhiem-vu.html