Phát huy vai trò tham mưu, thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ trong đó có Nha Dân tộc thiểu số, tổ chức tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Kể từ đó, ngày 3/5 hằng năm trở thành ngày truyền thống của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.

Người dân bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài (Yên Châu) được hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng chanh leo.

Người dân bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài (Yên Châu) được hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng chanh leo.

Đối với tỉnh Sơn La, ngay sau khi Khu tự trị Thái - Mèo được thành lập (năm 1955), Ban Dân tộc trực thuộc Khu ủy và Ủy ban hành chính Khu đã ra đời. Sau khi tái lập tỉnh, trong giai đoạn từ năm 1963-1987, Ủy ban Dân tộc trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh là cơ quan thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh. Từ năm 1987-2004, trải qua 3 lần tách nhập, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngày 18/2/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2004/NĐ-CP về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp. Ngày 13/8/2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 95/2004/QĐ-UB thành lập Ban Dân tộc tỉnh Sơn La.

Trải qua 75 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc, sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc; các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đề xuất chính sách đặc thù và phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2015-2020, Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.169 tỷ đồng, như: Chương trình 135 về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã, bản đặc biệt khó khăn; chương trình bố trí, sắp xếp ổn định định canh - định cư; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2017-2020... Kết quả, đầu tư xây dựng mới 576 công trình giao thông, thủy lợi, điện lưới, trường học, trạm y tế...; hỗ trợ triển khai 735 dự án, mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, máy móc thiết bị; tổ chức 243 lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ cơ sở và cộng đồng về phát triển sản xuất tại các xã đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025, tỉnh Sơn La có dân tộc La Ha thuộc diện thụ hưởng chính sách, với kinh phí hỗ trợ 45 tỷ đồng, đã xây dựng mô hình sản xuất, hỗ trợ bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bình đẳng giới, xây dựng 10 mô hình điểm tại 10 xã thuộc 5 huyện: Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên, Mường La, Thuận Châu; quan tâm, chăm lo thực hiện các chế độ, chính sách cho người có uy tín trong đồng bào DTTS kịp thời.

Nhân dân xã Chiềng Công (Mường La) nhận cây giống hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Nhân dân xã Chiềng Công (Mường La) nhận cây giống hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Ảnh: PV

Ông Đinh Trung Dũng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La chiếm hơn 83% dân số. Do vậy, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh luôn gắn liền với việc giải quyết các vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Những năm qua, cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện đã có nhiều đóng góp quan trọng giúp cho việc thực hiện các chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả. Thông qua các chương trình, chính sách, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới đã có nhiều chuyển biến, cải thiện rõ rệt; góp phần quan trọng giải quyết những khó khăn cho đồng bào, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền, địa phương các cấp thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và tỉnh về công tác dân tộc, đặc biệt là cụ thể hóa, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thực hiện nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc; giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; tích cực giảm nghèo nhanh theo hướng bền vững.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-huy-vai-tro-tham-muu-thuc-hien-hieu-qua-cac-chinh-sach-dan-toc-39341