Phát huy vai trò thanh niên trong phát triển kinh tế

Với tinh thần 'Đảng viên đi trước, làng nước theo sau', không chỉ là nòng cốt trong hoạt động Đoàn, phong trào thanh niên của địa phương, những đảng viên trẻ là đoàn viên thanh niên của huyện Na Hang đã mạnh dạn, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế.

Phát triển kinh tế theo hướng tập thể HTX Nông nghiệp Thanh niên Năng Khả là mô hình HTX đầu tiên của huyện Na Hang do chính thanh niên dân tộc thiểu số làm chủ. Với các hạng mục kinh doanh: Sản xuất gà, vịt, ngan giống; nuôi gà, lợn đen thả vườn; trồng các loại rau rừng giảo cổ lam, bò khai; làm hàng thủ công mỹ nghệ và kinh doanh dịch vụ du lịch homestay. Thành lập từ đầu tháng 5-2019, HTX có 9 thành viên, trong đó có 4 thành viên có mô hình kinh tế, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động thanh niên với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Sau hơn nửa năm hoạt động, HTX đã đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng.

Đứng đằng sau sự ra đời, thành công bước đầu của mô hình HTX thanh niên có sự đóng góp công sức, tâm huyết không nhỏ của đảng viên Hoàng Văn Lang, Bí thư Đoàn xã. Mười mấy năm là “thủ lĩnh”, điều mà anh trăn trở nhất là làm sao nâng cao mức sống, thu nhập cho thanh niên ngay trên quê hương mình. Với suy nghĩ đó, anh đã thu hút, tập hợp, vận động thanh niên phát triển theo mô hình kinh tế tập thể. Trong suốt những năm qua, anh đã tự mình lặn lội nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để học hỏi, kiếm tìm cơ hội làm giàu cho thanh niên xã nhà. Anh đã chủ động liên kết tìm đầu ra cho những sản phẩm mà anh manh nha ý tưởng. HTX Thanh niên Năng Khả ra đời từ sự tâm huyết, khéo dân vận, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương của Bí thư Đoàn xã Hoàng Văn Lang.

Anh Hoàng Văn Lang, Bí thư Đoàn xã và chị La Ánh Nguyệt, Phó Bí thư Đoàn xã,chủ mô hình sản xuất, cung ứng giống gia cầm góp phần thúc đẩy mô hìnhHTX Thanh niên Năng Khả, xã Năng Khả (Na Hang) hình thành, phát triển.

Đảng viên La Ánh Nguyệt, Phó Bí thư Đoàn xã, thành viên HTX là người đầu tiên gây dựng thành công mô hình sản xuất và cung ứng giống gia cầm trên địa bàn huyện. Chị bày tỏ, với ĐVTN nông thôn, phát triển kinh tế là nhiệm vụ cốt lõi để làm giàu cho chính bản thân, gia đình, quê hương mình.

Phong trào thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn thanh niên xã ngày càng sôi nổi nhờ phát huy vai trò của đảng viên trong độ tuổi đoàn. Đoàn xã hiện có 30 đoàn viên có mô hình kinh tế tập trung phát triển chăn nuôi, trồng rừng, VAC. Trong đó, có 10 đoàn viên là đảng viên làm chủ mô hình.
Sức trẻ tiên phong

Thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái là điểm du lịch mới của địa phương. Đảng viên Đặng Thị Dương, 26 tuổi được coi là những người tiên phong phát triển du lịch cộng đồng ở đây. Dương tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Năm 2017, về quê nhà, Dương làm cán bộ văn hóa xã. Từ khuyến khích, định hướng phát triển du lịch của huyện, cô gái trẻ đã mạnh dạn, chọn hướng phát triển du lịch cộng đồng và trồng giống lê đặc sản, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ngay trên bản làng của mình. Vốn là dân tộc Dao tiền, Dương xác định rõ mục tiêu “Làm homestay phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của mình”. Cô gái trẻ đã lặn lội, tìm tòi, liên kết với những người làm homestay giàu kinh nghiệm ở nhiều tỉnh, thành.

Tháng 10-2018, cơ sở homestay của đảng viên trẻ Đặng Thị Dương bắt đầu mở cửa đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm trùng với thời điểm diễn ra lễ hội ruộng bậc thang và cũng là lúc lê Hồng Thái vào chính vụ. Cho đến nay, mỗi tháng, mô hình homestay của Dương thu hút khoảng 50 lượt khách, tạo việc làm thường xuyên cho 2 thanh niên trên địa bàn với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Từ mô hình của Dương, đến nay, Đảng ủy, UBND xã định hướng, vận động 5 hộ dân khác cùng làm homestay.

Đồng chí Nguyễn Thị Chang, Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết, phát huy vai trò đồng hành cùng với thanh niên lập thân, lập nghiệp. Bên cạnh thực hiện tốt chính sách tín dụng, tổ chức Đoàn khuyến khích, tuyên truyền, vận động các cán bộ Đoàn, đảng viên là đoàn viên nêu cao tính gương mẫu, tiên phong trong phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng. Huyện đoàn hiện có 36 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, 2 câu lạc bộ phát triển kinh tế. Đa phần các chủ mô hình kinh tế, thành viên câu lạc bộ đều là đảng viên. Thời gian qua, các đoàn viên thanh niên luôn nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt trong phát triển kinh tế với tâm thế không chịu khuất phục đói nghèo. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phap-luat/hinh-su/phat-huy-vai-tro-thanh-nien-trong-phat-trien-kinh-te-128764.html