Phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở Đảng bộ xã Thanh Sơn

Năm 2015, Đảng bộ xã Thanh Sơn (Kim Bảng) được chọn là đơn vị tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở toàn tỉnh. Phát huy thế mạnh của một trong những đơn vị tiêu biểu toàn tỉnh, 5 năm qua Đảng bộ xã Thanh Sơn đã rút ra được nhiều kinh nghiệm thiết thực về bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng (TCĐ) trong đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.

Một góc thôn Thanh Nộn, xã Thanh Sơn (Kim Bảng). Ảnh:Thế Tân

Sâu sát, nắm chắc tình hình từng địa bàn, lĩnh vực, nhóm hộ, đề ra giải pháp đúng, trúng, phù hợp với thực tế là kinh nghiệm trước hết giúp cấp ủy, TCĐ ở Thanh Sơn làm tròn vai trò lãnh đạo toàn diện trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Sơn Nguyễn Văn Lục, để bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, TCĐ, nhiều năm nay Đảng ủy xã Thanh Sơn kiên trì cụ thể hóa việc phân công, phân cấp trách nhiệm của cán bộ, đảng viên (CBĐV) phụ trách địa bàn, lĩnh vực theo hướng ngày càng cụ thể, chi tiết, sát hợp với thực tế địa phương cũng như nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn. Với những thôn, lĩnh vực công tác đặc thù, khó khăn, kết quả thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, Đảng ủy xã phân công những CBĐV dày dạn hơn về trình độ, năng lực, uy tín, đặc biệt là dày dạn kinh nghiệm trong vận động quần chúng và xử lý tình huống.

Hai năm gần đây, việc CBĐV, công chức xã chuyển về sinh hoạt tại chi bộ nơi cư trú càng tạo điều kiện thuận lợi để cấp ủy từ xã đến từng địa bàn, lĩnh vực nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo thống nhất, toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thông qua trực tiếp sinh hoạt tại 10 chi bộ trực thuộc (4 chi bộ thôn, 6 chi bộ giáo dục, y tế, HTX dịch vụ nông nghiệp, công an xã) vào ngày mùng 3 hằng tháng, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã nắm bắt kịp thời, sâu sắc hơn tình hình địa bàn, lĩnh vực, phát hiện, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, ý kiến, đề xuất của CBĐV, nhân dân về phát triển kinh tế, hoạt động tự quản, triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động.

Hằng năm, việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng tập thể, cá nhân, nhất là cá nhân ủy viên ban thường vụ, đảng ủy viên được thực hiện nghiêm túc, thực chất, qua đó tạo cơ hội tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phương pháp công tác cho CBĐV được phân công phụ trách địa bàn, lĩnh vực. Đồng thời, tạo điều kiện cho tập thể Đảng ủy xã đánh giá, rút ra những kinh nghiệm sâu sắc, toàn diện trong thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Yêu cầu trong phân công, phân cấp trách nhiệm đối với CBĐV được xác định rõ: Nội dung cụ thể, hướng về thôn, tổ dân cư, nắm chắc từng nhóm hộ, phản ánh kịp thời, tham mưu đúng, trúng với tập thể Đảng ủy xã về giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Để bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, TCĐ, cùng với nắm chắc tình hình, CBĐV phụ trách địa bàn, lĩnh vực phải thực sự am hiểu về công tác xây dựng hệ thống chính trị, hoạt động tự quản, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ chính trị trọng tâm - xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Văn Lục, để làm được điều này, CBĐV phụ trách địa bàn, lĩnh vực, CB chủ chốt không những “thuộc nằm lòng” những định hướng cơ bản của cấp ủy, chính quyền mà thậm chí không cần sổ sách cũng có thể “đọc vanh vách” những thông tin, số liệu liên quan đến lĩnh vực phụ trách, cụ thể trong giai đoạn hiện tại là thông tin, số liệu về: tiêu chí, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng NTM kiểu mẫu.

Tăng cường sự lãnh đạo đối với MTTQ, các đoàn thể cũng là yếu tố quan trọng tạo sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong vận động, hướng dẫn quần chúng đồng thuận thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Đảng bộ xã Thanh Sơn.

Từ việc bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện đối với MTTQ, các đoàn thể trong công tác vận động, hướng dẫn quần chúng nên nhiều vấn đề vướng mắc trong tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, nhân dân được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nắm bắt và giải quyết kịp thời, thỏa đáng, không để phát sinh thành vấn đề lớn. Đảng ủy, UBND xã cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra, sâu sát từng địa bàn thôn, lắng nghe ý kiến nhân dân về vai trò, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chi bộ, ban công tác mặt trận, CBĐV phụ trách địa bàn, từ đó có những điều chỉnh nội dung chương trình công tác, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho đúng, trúng, phù hợp.

Cùng với yếu tố “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, yếu tố phát huy tinh thần nêu gương của CBĐV luôn góp phần quan trọng bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, TCĐ trong đời sống kinh tế - xã hội. Vai trò nêu gương của CBĐV theo cách lý giải nôm na của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thanh Nộn 2 Phạm Quốc Hợp, là: Cán bộ cấp ủy, MTTQ, các đoàn thể không chỉ “nhô ra” sớm nhất trong mọi việc, từ ủng hộ xây dựng các quỹ phúc lợi đến tổ chức sản xuất, hoạt động tự quản, lễ hội, hiếu, hỉ, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… mà còn phải “đầu tầu” trong vận động gia đình, họ tộc gương mẫu, chấp hành nghiêm chủ trương của chi bộ, quy định tự quản của thôn, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động.

Nối tiếp câu chuyện về vai trò tiền phong gương mẫu của CBĐV, đảng viên, cựu chiến binh Vũ Huy Hoàng (Chi bộ thôn Bút Sơn) cho rằng: Để góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, TCĐ, mỗi CBĐV dù ở cương vị nào cũng phải nhận thức và thực hiện đầy đủ trách nhiệm nêu gương từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt thường ngày. CBĐV trẻ khỏe nêu gương trong xây dựng, ủng hộ các phong trào, cuộc vận động; CBĐV cao tuổi định hướng, chỉ bảo con cháu thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương. Làm được như thế thì 325 CBĐV trong toàn Đảng bộ xã Thanh Sơn trở thành 325 “đầu mối”, “mắt xích” quan trọng tạo dựng bộ khung vững chắc phủ kín các thôn, tổ dân cư, lĩnh vực công tác, bảo đảm định hướng của cấp ủy, TCĐ được triển khai đồng bộ, vận hành đều khắp.

Từ bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương nên các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở Thanh Sơn, nhất là các chỉ tiêu liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân đều đạt kết quả cao, bền vững. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2% (chủ yếu là đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội); tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 99,2%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom đạt 99%...

Đáng chú ý là một số chỉ tiêu ở nhiều địa phương khác rất khó khăn trong phấn đấu hoàn thành thì ở Thanh Sơn luôn duy trì ổn định với mức cao. Phong trào trồng cây màu vụ đông, bảo đảm cân đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, thu nhập tại chỗ cho một bộ phận lao động luôn hoàn thành 100% diện tích; mô hình trồng cây nông sản hàng hóa an toàn, nuôi trồng thủy sản sạch theo phương pháp thủy canh “sông trong ao” ở Thanh Sơn được nhiều đoàn công tác trong và ngoài nước đến khảo sát thực tế, hội thảo rút kinh nghiệm.

Ngay đến một nội dung được coi là nhạy cảm trong xây dựng NTM kiểu mẫu là cải tiến một số tập tục truyền thống theo hướng văn minh cũng đạt kết quả rất tích cực. Hiện nay tỷ lệ người dân ở Thanh Sơn tự giác sử dụng hình thức hỏa thiêu người thân khi qua đời, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, tiết kiệm đất và thực hiện quy định về quản lý, sử dụng nghĩa trang nhân dân đã tăng lên đến 45%.

Sâu sát, đồng bộ, chặt chẽ trong bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, TCĐ, chú trọng phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của CBĐV, đoàn viên, hội viên là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, giúp Đảng bộ xã Thanh Sơn tự tin hướng đến mục tiêu “về đích” NTM kiểu mẫu trong năm 2020.

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh, Thế Trang

Nguồn Hà Nam: http://www.baohanam.com.vn/chinh-tri/phat-huy-vai-tro-tien-phong-guong-mau-cua-can-bo-dang-vien-o-dang-bo-xa-thanh-son-20760.html