Phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng
Thời gian qua, các địa phương đã tập trung giải quyết trực tuyến các dịch vụ công thiết yếu, song phần lớn người dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ này. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Lương Công Đức, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) cho biết:
- Hiện nay, các thủ tục hành chính được tích hợp rất nhiều trên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) và cổng dịch vụ công các bộ, tỉnh, thành phố. Cổng dịch vụ công quốc gia được Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương từ ngày 9/12/2019 với 8 nhóm dịch vụ công ban đầu.
Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; đến nay các bộ, ngành triển khai được 78/83 dịch vụ công trực tuyến được giao; 32/63 địa phương thực hiện 44 dịch vụ công trực tuyến…
Tại Phú Yên, từ năm 2017, các sở, ngành căn cứ quy định từ bộ, ngành liên quan tổng hợp các thủ tục hành chính trình UBND tỉnh phê duyệt để công bố trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh và áp dụng giải quyết thủ tục hành chính trong toàn tỉnh cho người dân.
Trên cơ sở liên thông từ Cổng dịch vụ công quốc gia đến Cổng dịch vụ công các tỉnh, thành trong cả nước, từ giữa năm 2024, Phú Yên đã đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến phiên bản 2.0 dưới sự vận hành của Sở TT&TT và Viettel Phú Yên nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử ở nhiều địa phương.
* Thưa ông, trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, các địa phương, sở ngành thường gặp những khó khăn gì?
- Hiện nay, chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính của cả nước. Phú Yên cũng đang tích cực triển khai các giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, tăng cường tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn đang gặp rất nhiều vấn đề.
Khó khăn trước tiên đó là nhiều người vẫn còn hạn chế về kỹ năng công nghệ thông tin, chưa quan tâm đến cải cách hành chính; đặc biệt là người lớn tuổi và người dân tại vùng sâu, vùng xa vẫn quen với việc nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan hành chính. Nhiều người không biết cách sử dụng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị công nghệ khác, dẫn đến việc kích hoạt tài khoản định danh và nộp hồ sơ trực tuyến gặp khó khăn.
Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng đầy đủ, tại nhiều thôn/buôn vùng sâu, vùng xa, mạng internet không ổn định gây cản trở lớn cho việc truy cập Cổng dịch vụ công và các ứng dụng định danh điện tử. Ngoài ra, tại bộ phận một cửa cấp xã của một số địa phương vẫn sử dụng thiết bị cũ, tốc độ xử lý chậm, làm giảm hiệu quả xử lý hồ sơ và hướng dẫn người dân.
Đội ngũ cán bộ có kỹ năng công nghệ thông tin ở cấp xã còn hạn chế, chưa quen sử dụng phần mềm hoặc chưa thành thạo các thao tác trên hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến. Các cán bộ phụ trách bộ phận một cửa phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, dẫn đến tình trạng quá tải, đặc biệt trong các đợt cao điểm triển khai kế hoạch…
* Tỉnh đã làm những gì để có thể khắc phục khó khăn, thúc đẩy triển khai dịch vụ công trực tuyến trong thời gian qua, thưa ông?
- Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, hiện nay, các địa phương tập trung phát huy vai trò các tổ công nghệ số cộng đồng trong phát triển dịch vụ. Toàn tỉnh đã thành lập 509 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 3.721 thành viên. Mỗi tổ công nghệ số cộng đồng có từ 5-7 thành viên, trong đó lực lượng nòng cốt là lãnh đạo các thôn, xóm, khu phố và đoàn viên, thanh niên được chọn lọc từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu về khả năng sử dụng công nghệ, nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm.
Các tổ công nghệ số cộng đồng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu (gồm 25 dịch vụ công Đề án 06/CP, 28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg) và các dịch vụ công khác. Đặc biệt, lực lượng này đã phối hợp cùng các hội đoàn thể, lực lượng chức năng và địa phương triển khai nhiều đợt truyền thông về dịch vụ công trực tuyến.
Các tổ công nghệ số cộng đồng đang tổ chức tuyên truyền với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, thành viên các tổ trực tiếp đến từng hộ dân hướng dẫn các bước thao tác trên ứng dụng dịch vụ công trực tuyến theo cách cầm tay chỉ việc. Tại bộ phận một cửa của UBND các xã, phường cũng luôn có thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng các xã túc trực, sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến lên cổng dịch vụ công…
* Các tổ công nghệ số cộng đồng có vai trò quan trọng trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Vậy các ngành chức năng đã làm gì để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ này, thưa ông?
- Nhằm đẩy mạnh hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, thời gian qua, ngành TT&TT của tỉnh đã chủ động phối hợp nhiều đơn vị tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cho thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng, cán bộ công chức tại bộ phận một cửa các cấp, chuyên viên kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị…
Các lớp tập huấn tập trung chuyển tải các nội dung về cách tạo lập tài khoản, sử dụng tài khoản VNeID, lập, nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến khi sử dụng dịch vụ công... Qua đó giúp thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng nắm được lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, cách thức thực hiện và có khả năng truyền thông lại cho cộng đồng dân cư nơi sinh sống và hỗ trợ khi cần thiết.
Đơn vị cũng đã xây dựng các tài liệu, poster, infographic phục vụ tuyên truyền. Đến nay, trung tâm đã phát hơn 600 bản tài liệu, poster tại các địa điểm công cộng như nhà văn hóa thôn, buôn, khu phố và bộ phận một cửa với các nội dung tuyên truyền về hướng dẫn sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, giao dịch trên sàn thương mại điện tử; viết bài truyền thông về dịch vụ công trực tuyến, trong đó tập trung truyền thông 58 dịch vụ công thiết yếu…
* Xin cảm ơn ông!
Toàn tỉnh đã thành lập 509 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 3.721 thành viên. Các tổ công nghệ số cộng đồng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu (gồm 25 dịch vụ công Đề án 06/CP, 28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg) và các dịch vụ công khác.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/324186/phat-huy-vai-tro-to-cong-nghe-so-cong-dong.html