Phát huy vai trò từ các công trình thủy lợi phục vụ trong sản xuất
Với tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, việc sản xuất trong nông nghiệp của nông dân thường chịu ảnh hưởng của triều cường, mặn xâm nhập và khô hạn... Đặc biệt, các khu vực ven 02 tuyến Sông Tiền và Sông Hậu vào mùa khô hạn thường gặp khó khăn về nguồn nước ngọt trong sản xuất, khi nước mặn từ biển lấn sâu vào.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, để đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đặc biệt là tiếp ngọt thông qua các trạm bơm đang được tỉnh triển khai đầu tư 15 trạm bơm điện (tổng công suất 2.400m3/giờ/trạm) kết hợp kênh bê-tông, phục vụ cho diện tích khoảng 4.325ha đất nông nghiệp, của khoảng 5.500 hộ dân sản xuất chịu ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn trong hiện tại cũng như tương lai.
Các công trình trạm bơm sẽ giúp địa phương ở các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú… chủ động tích trữ, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện khô hạn, mặn xâm nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Qua đó, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân, thúc đẩy phát kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Lê Quốc Thuần, Chủ tịch UBND xã Châu Điền, huyện Cầu Kè cho biết: trên địa bàn xã đang được tỉnh triển khai xây dựng Trạm bơm điện Châu Hưng (ấp Châu Hưng, xã Châu Điền) sẽ lấy nguồn nước từ sông Châu Hưng vào, góp phần chủ động nguồn nước tưới và khép kín cho diện tích khoảng 200ha ở 03 ấp Châu Hưng, Ô Rồm, Ô Tưng B.
Bên cạnh vai trò của trạm bơm để chủ động điều tiết nguồn nước trong sản xuất cho các vùng nằm sâu trong nội đồng và xa tuyến kênh trục, việc triển khai các cống ở một số khu vực trên địa bàn huyện Cầu Kè còn giúp nông dân chủ động sản xuất khép kín, hạn chế thấp nhất do tác động của triều cường, mặn xâm nhập như khu vực cù lao Tân Qui (02 ấp Tân Qui 1 và Tân Qui 2, xã An Phú Tân). Được biết, khu vực này có 09 khém lấy nước trực tiếp từ Sông Hậu vào, những năm qua, khi nước mặn từ vàm Cầu Quan lấn sâu vào thượng lưu Sông Hậu (khu vực tiếp giáp với Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) gây thiệt hại rất lớn cho các diện tích vườn cây ăn trái ở cù lao Tân Qui (năm 2016 - 2017).
Theo đồng chí Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè: đến cuối năm 2022, cù lao Tân Qui đã triển khai xây dựng xong và đưa vào sử dụng 04/09 cống ngăn mặn, triều cường đặt tại 04/09 đầu khém nơi tiếp giáp và chịu điều tiết nguồn nước từ ngoài Sông Hậu vào, gồm C1, C3, Lòng Lươn (ấp Tân Qui 2), Bầng Xà (ấp Tân Qui 1).
Để tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng vùng an toàn để bảo vệ các diện tích vườn cây ăn trái nằm phía trong cù lao Tân Qui, trong năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai thi công thêm 05 cống ngăn mặn tại 05 đầu khém còn lại (kênh Tám Trước, kênh Tám Mịt, kênh Phong Lưu thuộc ấp Tân Qui 2; kênh Cả Đông, kênh Khém Lớn thuộc ấp Tân Qui 1).
Cũng theo đồng chí Phạm Văn Kha, để thực hiện tốt công tác ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các hộ dân, vườn cây ăn trái, hoa màu trên địa bàn 02 ấp; sau khi hoàn thành thêm 05 cống trên sẽ có gần 400ha/570 hộ nằm trong khu vực hưởng lợi trực tiếp được bảo vệ an toàn trước triều cường, mặn xâm nhập.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ