Phát huy vai trò, vị thế kinh tế tập thể
HOÀNG QUỐC KHÁNH
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
LCĐT - Nghị quyết số 13 ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết số 13) đã khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, mà còn đóng góp quan trọng trong phát triển văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quán triệt chủ trương, định hướng của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể, tỉnh Lào Cai đã cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết số 13 vào thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Sau 20 năm (2001 - 2021) triển khai thực hiện Nghị quyết số 13, khu vực kinh tế tập thể của Lào Cai có sự chuyển biến tích cực về cả chất và lượng, thể hiện vai trò quan trọng khu vực này đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh nói chung và vùng nông thôn nói riêng. Đặc biệt, trong năm 2021, đã thành lập 2 liên hiệp hợp tác xã đầu tiên của tỉnh, trong đó có 1 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và 1 liên hiệp hợp tác xã phi nông nghiệp.
Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tập thể sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 không chỉ là những con số, mà quan trọng hơn là nhận thức về bản chất tổ chức hợp tác xã bước đầu được khẳng định và thống nhất. Ưu thế và vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương và các thành phần kinh tế khác dần được khẳng định. Sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về kinh tế tập thể, hợp tác xã được nâng cao. Nhiều kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được ban hành phù hợp hơn với thực tế địa phương. Thực tế cho thấy những nơi nào được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thì phong trào kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nơi đó phát triển.
Hoạt động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có chuyển biến tích cực về quy mô, công nghệ và thị trường. Một số hợp tác xã đã áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, các hợp tác xã nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều hợp tác xã liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở Lào Cai thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường, đã xuất hiện một số mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp vào phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Lào Cai phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu. Trước những cơ hội, thách thức đặt ra đối với phát triển kinh tế tập thể, Lào Cai xác định đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 9.386 tổ hợp tác với 140.790 thành viên, 725 hợp tác xã với 14.400 thành viên, 4 liên hiệp hợp tác xã với 90 hợp tác xã thành viên và 9 quỹ tín dụng nhân dân. Số hợp tác xã hoạt động tốt, khá chiếm từ 60% trở lên. Doanh thu bình quân 1 hợp tác xã đạt từ 5 đến 8 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã và người lao động trong hợp tác xã đạt khoảng 80 - 110 triệu đồng/người/năm. Tiếp tục củng cố, phát triển 100% xã nông thôn mới có hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã và có mô hình liên kết sản xuất. Phấn đấu 100% hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành sản xuất - kinh doanh, quản trị nội bộ, quảng bá sản phẩm…
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới.
Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã để các cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức đúng và đầy đủ hơn về bản chất và mô hình hợp tác xã kiểu mới, đồng thời giúp người dân hiểu rõ quyền lợi khi tham gia các hình thức kinh tế hợp tác.
Hai là, nâng cao năng lực, vai trò của cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính với nội dung trọng tâm là sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo đủ năng lực quản lý ở các cấp, đặc biệt ở cấp xã; từng bước kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ tỉnh đến cơ sở, trong đó đảm bảo các cấp đều có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác.
Ba là, thành lập mới, củng cố kiện toàn các hình thức kinh tế tập thể. Các địa phương tạo điều kiện cho các sáng lập viên có nhu cầu thành lập hợp tác xã, đồng thời khuyến khích các tổ hợp tác, trang trại hoạt động hiệu quả có nhu cầu thành lập hợp tác xã. Chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc đăng ký lại các hợp tác xã đang hoạt động, giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động; khuyến khích cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại hợp tác xã.
Bốn là, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế. Hằng năm, lựa chọn xây dựng điểm mô hình hợp tác xã hỗ trợ đầu tư sản xuất; tổ chức cho các hợp tác xã tham gia giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, triển lãm nông nghiệp, tạo điều kiện cho sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp có cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ. Xây dựng sàn giao dịch nông sản liên kết thông tin với các địa phương để cung cấp và nắm thông tin thị trường, giao thương hàng hóa và tìm đối tác liên kết sản xuất. Tổ chức hội nghị khách hàng cho các hợp tác xã gặp gỡ và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Năm là, ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các chính sách về phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tín dụng, thuế, xúc tiến thương mại và các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, tạo dựng các điều kiện, nhân tố cho hình thành, xúc tiến hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn.
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Hằng năm, ngân sách tỉnh cân đối bố trí kinh phí sự nghiệp thông qua các đơn vị chức năng để hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; chuyển giao ứng dụng các đề tài, dự án khoa học phù hợp ngành nghề để hỗ trợ hợp tác xã trong sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Bảy là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của MTTQ, Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức đoàn thể trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đồng thời tham gia tư vấn, hỗ trợ, giám sát, phản biện việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348685-phat-huy-vai-tro-vi-the-kinh-te-tap-the