Phát huy vai trò 'vốn mồi' của đầu tư công trong thực hiện tăng trưởng xanh
Cần phải phát huy được vai trò 'vốn mồi' của đầu tư công để làm đòn bẩy thúc đẩy và huy động đầu tư tư nhân xanh là khẳng định của TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), khi trả phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, xung quanh các giải pháp đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng xanh.
PV: Ông đánh giá thế nào về nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam, sau 2 năm Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” được ban hành?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, tiết kiệm tài nguyên là xu thế tất yếu, là đòi hỏi của chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu mà Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương từ hơn chục năm trước. Đó cũng là đòi hỏi khi Việt Nam càng ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi các dòng chảy thương mại đầu tư gắn với các cam kết quốc tế mới đều gắn với yêu cầu của tăng trưởng xanh.
Có thể thấy Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đều đã được các bộ, ngành vào cuộc thực hiện. Các bộ, ngành đều đã lên các kế hoạch, chương trình hành động. Có một số ý kiến cho rằng chúng ta đang chậm trong các bước triển khai, cụ thể hóa nhưng tôi cho rằng đó là sự cẩn trọng cần thiết.
Tăng trưởng xanh đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều ngành, lĩnh vực, sự phối hợp của nhiều biện pháp khác nhau. Vì vậy, lộ trình, giải pháp cụ thể cần có những cân nhắc thận trọng, phải cân đối giữa các chi phí và lợi ích để đưa ra những mục tiêu phù hợp với bối cảnh, điều kiện của bản thân các ngành, các doanh nghiệp, đặc biệt là tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước.
PV: Vậy theo ông, với bối cảnh hiện tại của tình hình trong nước cũng như thế giới, Việt Nam cần làm gì có thể thực hiện được thành công các mục tiêu về tăng trưởng xanh như đã nêu ra?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Theo tôi, trước khi bàn về các chính sách hỗ trợ thì cần phải tạo được một môi trường thể chế tạo thuận lợi và niềm tin cho các nhà đầu tư, cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nếu thể chế vẫn là mô hình kiểu cũ, quản lý theo nền kinh tế nâu thì rất khó, bởi vì mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu nói chung và phát triển xanh nói riêng đòi hỏi những đột phá, cơ chế tạo thuận lợi cho sự đổi mới sáng tạo, đầu tư vào khoa học công nghệ và áp dụng các tiến bộ hoặc thậm chí phải liên kết, kêu gọi đầu tư nước ngoài mang tính chất chiến lược.
Điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất không phải là vấn đề chính sách ưu đãi hay hỗ trợ mà làm sao có một thị trường thực sự cạnh tranh, cạnh tranh về cả đầu sản xuất lẫn đầu tiêu thụ. Trong bối cảnh đầu tư cho các lĩnh vực về sản xuất xanh là một đầu tư rất lớn so với mô hình tăng trưởng truyền thống cũng như phải chịu những rủi ro và biến động hơn. Vì vậy trong bối cảnh đó thì phải làm sao cần thông thoáng hơn về môi trường đầu tư kinh doanh, càng tạo thuận lợi cho sự đầu tư của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực mới đó chứ không phải là vấn đề chính sách ưu đãi. Do đó, môi trường kinh doanh phải thực sự thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, dễ tiếp cận, không có sự can thiệp mang tính chất sân sau hoặc lợi ích nhóm để các lĩnh vực kinh tế phát triển đồng bộ.
Tiếp đó, ngoài việc xem xét tăng các nguồn tín dụng ưu tiên cho tăng trưởng xanh thì chúng ta cũng phải tận dụng được những cơ chế tài chính mới là những ưu thế hay xu thế của thế giới. Ví dụ như cơ chế cho thuê tài chính. Đây là một cơ chế sẽ rất phù hợp với mô hình tăng trưởng xanh khi mà đầu tư vào thiết bị máy móc, mô hình sản xuất mới thì đòi hỏi một lượng vốn rất lớn. Nếu có một bên, một nhóm các nhà cung ứng có thể cung ứng các thiết bị máy móc sẵn sàng tham gia cùng với các nhà đầu tư tài chính thì sẽ giảm thiểu các rủi ro và sẽ giảm các chi phí và bên sản xuất này có thể tìm được đầu ra tương đối ổn định cho sản phẩm. Do đó, cần sớm kích hoạt phát triển thị trường cho thuê tài chính ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, rõ ràng những mô hình tài chính mới gắn với mô hình kỹ thuật số, kinh tế số, fintech cũng cần mạnh dạn đưa vào những thử nghiệm có tính chất đột phá, giống như thử nghiệm cho taxi công nghệ đã mở ra đột phá cho mô hình thương mại điện tử một thời. Tôi tin rằng nếu chúng ta áp dụng những giải pháp đổi mới sáng tạo như vậy trong lĩnh vực khác của tăng trưởng xanh thì cũng sẽ đẩy được quá trình xanh hóa nền kinh tế diễn ra nhanh hơn.
Cuối cùng là các chính sách hỗ trợ. Tôi cho rằng, phải rà soát và thống nhất hóa lại các chính sách hỗ trợ bởi hiện tại chúng ta đang có rất nhiều loại chính sách hỗ trợ tản mát, nhỏ lẻ, riêng rẽ khác nhau. Mỗi bộ, ngành, địa phương, thậm chí trong cùng 1 bộ ngành lại có một đơn vị quản lý một loại hình hỗ trợ riêng với việc ban hành một loạt các chính sách, quy trình, thông tư hướng dẫn cho những chính sách hỗ trợ đó rất riêng biệt.
Như vậy nó vừa manh mún, tản mát lại vừa không hiệu quả, lại dễ bị trục lợi chính sách. Cần phải rà soát những chính sách hỗ trợ sao cho có tính chất tích hợp, thống nhất đầu mối và thu gọn lại nhưng mức độ hỗ trợ phải đủ lớn, đủ hiệu quả.
PV: Riêng với nguồn lực công, làm thế nào để phát huy được vai trò của nguồn lực này, làm đòn bẩy thúc đẩy huy động đầu tư tư nhân xanh, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Tăng trưởng xanh đòi hỏi một nguồn lực rất lớn và nguồn lực công sẽ không đủ để thực hiện, mà cần phải có sự tham gia của khu vực tư nhân. Vì vậy cần phải phát huy được vai trò “vốn mồi” của đầu tư công để làm đòn bẩy thúc đẩy và huy động đầu tư tư nhân xanh.
Trong đầu tư công nên tập trung theo hướng đổi mới các thể chế, thủ tục đầu tư công để tăng cường mua sắm công xanh. Bởi vì thông thường các kế hoạch, chương trình cho đầu tư công, mua sắm công là rất lớn và có quy mô gắn với cả một giai đoạn (kế hoạch đầu tư công trung hạn). Do vậy, làm sao có những thay đổi về thể chế, chính sách, thủ tục (đấu thầu) để thay vì mua sắm hàng hóa/dịch vụ thông thường, thì các hàng hóa/dịch vụ xanh sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Trong quá trình xanh hóa đó thì phải “liệu cơm gắp mắm” dần dần từng bước trong quy trình mua sắm công. Nghĩa là bất cứ một đồng tiền khi nào chi ra của ngân sách nhà nước thì cũng đều có tiêu chí lựa chọn gắn với tiêu chí xanh, phát triển bền vững thì dần dần nó sẽ chính là “vốn mồi” kích hoạt cho một thị trường gắn với những sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh hoặc dịch vụ xanh được mở rộng.
PV: Xin cảm ơn ông!