Phát lộ hàng tạ vàng sau trận mưa

'Vàng người dân nhặt được, cán bộ gom lại đưa về tập trung ở sân nhà kho hợp tác xã đến 3 nôống (nong) đầy, nghe nói là hơn 6 tạ vàng, nhìn mà hoa cả mắt. Tui cũng nhặt được 5 đồng tiền vàng mang đi nộp và sau này được Nhà nước thưởng một tấm lụa để may quần áo mới' - cụ Đinh Thị Bình 82 tuổi, ở Hóa Sơn kể lại.

Lòng suối, nơi người dân Hóa Sơn phát hiện và vớt được hơn 6 tạ vàng

Lòng suối, nơi người dân Hóa Sơn phát hiện và vớt được hơn 6 tạ vàng

“Vàng lên ăn, sáng rực cả góc rừng”

Sự kiện vua Hàm Nghi bị bắt bất ngờ và bị người Pháp đày đi châu Phi, khiến người dân nước Nam ngày đó hụt hẫng, tiếc nuối cho một phong trào phục quốc sớm bị dập tắt. Cũng ngay sau sự kiện đau thương này, vô số lời đồn đoán về một số lượng lớn vàng bạc, châu báu của vua Hàm Nghi bị thất lạc trong nhân gian, mà tâm điểm là vùng rừng núi hiểm trở của Hóa Sơn ngày nay, nơi mà vị vua trẻ yêu nước từng chọn làm “Kinh đô kháng chiến”.

Người Hóa Sơn vẫn thường rỉ tai nhau: “Khi bị bắt, trên người vua Hàm Nghi chỉ có mấy nén bạc lẻ, và một số tờ bản đồ được đánh dấu chằng chịt nghi là nơi giấu vàng” - sử liệu chép lại. Người Pháp cho tịch thu những tấm bản đồ ấy và ngay sau đó đã cử nhiều đội quân lần theo dấu vết trên bản đồ để đào bới, tìm kiếm kho báu. Tại khu vực Hóa Sơn, người Pháp cho đào bới hàng chục điểm, ròng rã cả tháng trời. “Việc họ (người Pháp - PV) đào bới để làm gì và lấy đi những gì thì người dân Hóa Sơn ngày ấy không rõ. Nhưng tôi nghe những người già kể lại là họ canh giữ rất cẩn mật, không cho dân làng bén mảng tới” - ông Bàn Văn Sơn, cựu Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn kể.

Một câu chuyện hoang đường, không có căn cứ khoa học nhưng người dân Hóa Sơn vẫn thường kể cho nhau nghe, thậm chí một số người lớn tuổi ở đây còn khẳng định là họ đã từng nhìn thấy “vàng lên ăn sáng cả góc rừng”. Theo người dân Hóa Sơn, trong những đêm khuya thanh vắng, một số người tình cờ đã nhìn thấy vàng từ những kho báu chôn dưới lòng đất của vua Hàm Nghi bò lên mặt đất để ăn sương và hút khí trời. Vàng nhiều đến nỗi, phát sáng cả góc rừng. “Tui nghe dân làng và cha mẹ kể đi kể lại rất nhiều lần nhìn thấy vàng lên ăn. Tui cũng đã từng có lần nhìn thấy. Cái ánh sáng đó rất lạ, khi đỏ, khi vàng, khi xanh… run rẩy, lúc ẩn lúc hiện. Chỉ cần một tiếng động nhỏ là nó vụt tắt” - cụ Đinh Thị Bình (82 tuổi) nói.

Cụ Đinh Thị Bình (82 tuổi) kể chuyện vàng vua Hàm Nghi

Cụ Đinh Thị Bình (82 tuổi) kể chuyện vàng vua Hàm Nghi

Phát lộ hàng tạ vàng

Câu chuyện kho báu của vua Hàm Nghi bị thất lạc trong nhân gian cứ thế âm ỷ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tại Hóa Sơn. Bỗng một ngày giữa tháng 8, năm 1956, sau một trận mưa gió bão bùng, một số người dân đi đánh cá dưới con suối cạn có tên Dương Cau, ngay trước mặt nhà thì phát hiện vô số vàng chìm dưới đáy. Người dân Hóa Sơn lúc đó thi nhau vớt vàng từ lòng suối mang về nhà, người ít cũng vớt được vài đồng tiền vàng, người nhiều lên đến vài yến.

Lần theo dấu vàng trôi dưới lòng suối, cách điểm phát hiện vàng chừng 300m, người dân phát hiện vàng trôi ra từ một hốc cây cổ thụ. Theo ông Bàn Văn Sơn, cựu Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn: Đối diện UBND xã hiện nay, phía bên kia bờ suối ngày đó có 3 cây cổ thụ rất lớn lại nằm sát nhau, người dân địa phương gọi đó là cây lội. Trong 3 cây cổ thụ ấy có một cây bị rỗng ruột, người ta cho vàng vào đấy, lấy đá chặn bên ngoài để cất giấu.

“Tôi nghe mẹ tôi kể lại, khoảng giữa tháng 8, năm 1956, hôm ấy trời mưa to gió lớn. Sáng ra một số người đi đánh cá và phát hiện dưới lòng suối rất nhiều vàng. Rất có thể nước chảy làm xô những hòn đá chặn bên ngoài khiến vàng trào ra, theo dòng nước trôi xuống suối. Vàng người dân nhặt được đa số là vàng khối, các đồng tiền bằng vàng, hay vàng được đúc theo hình lá trầu, quả cau…” - ông Sơn nói.

Nhận được thông tin, tỉnh Quảng Bình ngày đó đã cử một đoàn cán bộ lên phối hợp với huyện Minh Hóa và xã Hóa Sơn vận động người dân giao nộp vàng cho Nhà nước. Với bản tính hiền lành, người dân Hóa Sơn đã tự nguyện giao nộp số vàng mình vớt được mà không có một đòi hỏi nào. “Vàng người dân vớt được, cán bộ gom lại đưa về tập trung ở sân kho hợp tác xã đến 3 nôống (nong) đầy, nhìn hoa cả mắt. Nghe nói người ta cân lên được hơn 6 tạ vàng. Tui cũng nhặt được 5 đồng tiền vàng mang đi nộp và sau này được Nhà nước thưởng một tấm lụa để may quần áo mới” - cụ Đinh Thị Bình 82 tuổi, ở Hóa Sơn kể lại.

Ông Phan Văn Chương, sinh năm 1956, đúng vào năm người dân Hóa Sơn nhặt được vàng kể: Cha ông hồi đó làm dân quân tự vệ nên được cử vào đội vận động người dân giao nộp vàng và bảo vệ vàng. Ông được nghe cha mình kể lại rằng, đa số người dân tự nguyện mang vàng ra sân hợp tác xã giao nộp, nhưng cũng có một số người muốn giữ lại một ít làm kỷ niệm. Nhưng những người như cha của ông được cử đi đến từng nhà, nói rằng “đoàn công tác có máy dò vàng, nhà nào không nộp đủ sẽ bị máy dò vàng phát hiện”, nên việc thu hồi vàng gần như tuyệt đối. Chỉ có một số trẻ con nghịch ngợm, nhặt được vàng đem giấu, sau này mang ra chơi đánh đáo.

Việc phát lộ hàng tạ vàng sau gần 70 năm kể từ ngày vua Hàm Nghi bị bắt khiến niềm tin về kho báu bị thất lạc của “nhà vua kháng chiến” càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đã không ít người thích phiêu lưu, mạo hiểm bỏ công, bỏ của, thậm chí là cả tính mạng với hi vọng đổi đời. Việc tìm vàng của vua Hàm Nghi không chỉ gói gọn trong vùng thung lũng Hóa Sơn mà được người ta mở rộng ra nhiều địa bàn, với nhiều thành phần, từ người dân bình thường, đến sỹ quan quân đội, hay cả những người có kiến thức, chuyên môn về khảo cổ. Họ tin vào những câu chuyện được thêu dệt li kỳ như huyền thoại.
(Còn nữa)

Việc phát lộ hàng tạ vàng sau gần 70 năm kể từ ngày vua Hàm Nghi bị bắt khiến niềm tin về kho báu bị thất lạc của “nhà vua kháng chiến” càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đã không ít người thích phiêu lưu, mạo hiểm bỏ công, bỏ của, thậm chí là cả tính mạng với hi vọng đổi đời.

H.N

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/phat-lo-hang-ta-vang-sau-tran-mua-1728039.tpo