Phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc và di vật quan trọng tại Lăng miếu Triệu Tường
Ngày 24/6, tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học tại Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường.
Theo đó, kết quả cuộc khai quật lần này đã phát hiện các dấu tích nền móng kiến trúc gồm: Tường thành và cổng phía Bắc, tường thành phía Đông, cổng phía Tây, cổng phía Nam; Tường miếu, nghi môn và các cổng phụ; các kiến trúc khác như Tây Đường, Miếu nhỏ, Hồ bán nguyệt, nhà Công quán, nhà kho, cầu, hồ sen....
Ngoài các dấu tích kiến trúc đó, các nhà khoa học còn thu được một số lượng lớn di vật gồm 4 nhóm cơ bản là vật liệu xây dựng, gốm sứ, sành và kim loại. Đặc biệt trong đó có tới gần 3.000 hiện vật, chủ yếu là mảnh bát, nậm, vại, lon, bình, vò với các dòng men nâu, men trắng vẽ lam có niên đại trải dài từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX...
Những dấu tích đã xuất lộ cho thấy di tích khu lăng miếu của hoàng tộc Nguyễn có mặt bằng quy mô, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ, công phu. Có thể nhận thấy Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường là thái miếu đầu tiên còn nguyên vẹn mặt bằng tổng thể ở Việt Nam.
Qua những kết quả khai quật khảo cổ sẽ cung cấp nhiều tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu hệ thống lăng miếu hoàng gia thời Nguyễn ở Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung, cũng như bổ sung tư liệu, cơ sở khoa học cho việc phục dựng, tu bổ công trình này trong tương lai.