Phạt nặng để chặn vi phạm về xây dựng
Việc xử lý vi phạm trong xây dựng tại Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Đồng Nai... cho thấy thái độ dứt khoát của cơ quan chức năng chính là chìa khóa không thể thiếu
Ngày 13-4, nguồn tin riêng của phóng viên Báo Người Lao Động cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đang điều ra mở rộng vụ án liên quan đến khu đất có 79 căn biệt thự xây dựng không phép ở xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.
Kiên quyết xử lý
Vụ việc khởi đầu từ khoảng thời gian 2017-2018. Thời điểm này, trên khu đất gần 19 ha thuộc rừng phòng hộ, một số người dân địa phương tiến hành bán đất bằng giấy tay. Sau đó, xảy ra tình trạng phân lô, làm đường bê-tông nội bộ, kéo điện, nước sinh hoạt… và rồi 79 căn biệt thự hoành tráng mọc lên.
Ngày 19-9-2022, tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang phối hợp chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, lập biên bản việc xây dựng trái phép đối với 79 căn biệt thự trên. Gần 2 tháng sau, chính quyền địa phương phối hợp ngành chức năng tỉnh Kiên Giang tổ chức cưỡng chế, phá dỡ 2 căn.
Với 77 căn còn lại, ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt xử lý vi phạm trên lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên ở Phú Quốc - vừa cho biết lãnh đạo tỉnh Kiên Giang giao ngành chức năng rà soát, hoàn thiện thủ tục hồ sơ để tiến tới cưỡng chế. "Lãnh đạo tỉnh kiên quyết xử lý, lấy lại đất nhà nước đang bị bao chiếm, xây dựng trái pháp" - ông Lê Quốc Anh khẳng định
Trong vụ việc trên, có 3 bị can bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do làm giấy tay bán cho người khác phần đất của nhà nước để thu lợi bất chính.
Tại TP Cà Mau, từ thông tin trên mạng xã hội về "Biệt phủ đẹp nhất Cà Mau" nằm trên xã Tân Thành gây xôn xao dư luận, ngành chức năng vào cuộc kiểm tra. Báo cáo của UBND TP Cà Mau sau đó cho hay chủ "biệt phủ" xây dựng công trình trên 2 thửa đất nuôi trồng thủy sản, không được chuyển đổi quyền sử dụng. Công trình bao gồm khối nhà chính có diện tích xây dựng 294,79 m2, 3 tầng (đã hoàn thành khoảng 90%), nhà cặp hàng rào diện tích xây dựng 339,74 m2. Sau thời hạn cho chủ hộ tự tháo dỡ, UBND TP Cà Mau sẽ có phương án cưỡng chế "biệt phủ" này.
UBND TP Cà Mau cũng có công văn gửi Phòng Nội vụ, Phòng Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị liên quan về việc xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Theo đó, UBND thành phố giao Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể tại UBND xã Tân Thành và các đơn vị trong việc thiếu kiểm tra, chậm xử lý công trình xây dựng nêu trên.
Nghiêm khắc với sai phạm
Cũng liên quan tới vi phạm trong xây dựng, ngày 13-4, trao đổi với báo chí, ông Dương Ngọc Lắm, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang), cho biết trong vòng 30 ngày, chủ biệt thự xây dựng trái phép trên địa bàn sẽ bắt đầu tự tháo dỡ. Theo tìm hiểu, nơi công trình này mọc lên trước đây là khu đất trồng dược liệu và nhà tiền chế bảo quản dược liệu để bốc thuốc từ thiện trên Núi Sập (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn).
Trong khi đó tại Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký kết luận thanh tra dự án khu dân cư Tân Thịnh (xã Đồi 61, huyện Trảng Bom). Đây là một trong các vụ việc được bổ sung vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại cuộc họp tháng 11-2022.
Theo kết luận thanh tra, dự án khu dân cư Tân Thịnh có diện tích hơn 18 ha được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm vào năm 2016, được quy hoạch với mục đích đất ở dự án thời kỳ 2011-2020 và chuyển tiếp đến năm 2030. Ngày 22-11-2018, UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Đầu tư LDG (Công ty LDG) đầu tư xây dựng dự án khu dân cư Tân Thịnh tại xã Đồi 61.
Vào thời điểm thanh tra, công ty LDG chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư dự án. Tuy nhiên, phía công ty đã tổ chức thi công 680 căn nhà, trong đó 198 căn biệt thự, 290 căn nhà liên kế đã thi công xong, 192 căn nhà liên kế đang thi công dang dở.
Phía công ty cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc bán nhà với 60 khách hàng với số tiền hơn 132 tỉ đồng… Điều đáng nói, dự án này chưa đủ điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật và kinh doanh bất động sản.
Thanh tra chỉ rõ trách nhiệm của hàng loạt tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm của dự án và kiến nghị hình thức xử lý. Trong đó, hơn 20 cá nhân bị nêu tên gồm giám đốc và chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thời kỳ Công ty LDG thực hiện dự án; lãnh đạo UBND huyện Trảng Bom; lãnh đạo, chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Trảng Bom; Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện; 4 chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã Đồi 61 và các công chức địa chính xã; 2 cá nhân Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
Riêng ông Hoàng Văn Dung, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, bị đề nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu phạm tội hình sự.
Chủ tịch tỉnh kiểm tra thực tế, phê bình cựu quan chức
Tại cuộc họp báo ngày 13-4 của tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Phạm Anh Tuấn, kể sau khi báo chí phản ánh về tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn TP Quy Nhơn, đích thân ông đã đi kiểm tra thực tế. Trong đó có công trình xây dựng trái phép của ông Nguyễn Tân, cựu Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định, tại phường Quang Trung, TP Quy Nhơn.
Qua đó, ông Tuấn đã phê bình nhiều cán bộ, nguyên cán bộ, lãnh đạo thiếu gương mẫu, tham gia lấn chiếm, xây dựng trái phép.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/phat-nang-de-chan-vi-pham-ve-xay-dung-20230413220619302.htm