Phạt nặng để làm gương

Để nâng cao tính tuân thủ nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế được đánh giá có tính hiệu quả cao. Đây đồng thời cũng là lời cảnh báo cho các đối tượng nợ thuế khác phải thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tình trạng nợ thuế, chây ì nộp thuế là vấn nạn làm thủng ngân sách Nhà nước và đau đầu lực lượng chức năng ngành thuế nhiều năm nay.

Để thu hồi nợ thuế, thời gian qua ngành thuế đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, từ đôn đốc, đẩy mạnh việc ban hành thông báo nợ thuế bằng phương thức điện tử gửi người nộp thuế để đôn đốc nộp tiền thuế nợ và cung cấp thông tin cảnh báo tình hình nợ thuế cho người nộp thuế; công khai thông tin các đối tượng dây dưa, chây ì nợ thuế lên các cơ quan thông tấn báo chí và trên hệ thống cổng, trang thông tin điện tử của cơ quan thuế…

Mặc dù vậy, do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe, nên tình trạng nợ thuế vẫn cao.

Tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý ước tính đến thời điểm 30/6/2024 là 204.441 tỷ đồng, tăng cao 20,3% so với cuối năm 2023. Thực tế này dẫn đến cơ quan thuế ban hành 174.492 quyết định cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế.

Trong thời gian gần đây, rất nhiều cá nhân, chủ DN bị cấm xuất cảnh do liên quan đến nợ thuế. Nhiều chủ DN rơi vào cảnh dở khóc, dở cười khi mọi kế hoạch ký kết hợp tác ở nước ngoài đã lên, nhưng không được xuất cảnh vì chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Trong danh sách dài người nợ thuế bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh có đơn vị nợ hàng chục tỷ đồng, nhưng cũng có những người chỉ nợ vài triệu, đến vài trăm ngàn đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp tạm thời cấm xuất cảnh cá nhân, chủ DN nợ thuế mà ngành thuế đang triển khai có phần cứng nhắc và ảnh hưởng tới DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ thuế tăng cao, thậm chí nhiều đối tượng có dấu hiệu chây ì, thì đây được xem là giải pháp có tính răn đe và hiệu quả cao nhất.

Về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh, Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định: các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là DN thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Từ những chế tài xử phạt nặng, có tính răn đe cao, tình hình thu hồi nợ thuế có nhiều dấu hiệu tích cực. Theo cập nhật từ Tổng cục Thuế, trong nửa đầu năm 2024, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 16.859 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh và đã thu hồi được 918,7 tỷ đồng nợ thuế của 1.482 người nộp thuế.

Kết quả trong nửa đầu năm, lũy kế thu hồi nợ thuế ước đạt 45.468 tỷ đồng, đạt 33% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2024. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ thuế là 42.756 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 2.712 tỷ đồng.

Để bảo đảm mục tiêu hoàn thành nghĩa vụ thu ngân sách Nhà nước, giảm nợ đọng thuế, cần thiết triển khai những chế tài xử phạt nặng người nợ thuế để tăng tính tự giác, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về thuế của các cá nhân, tổ chức. Đây được xem là giải pháp mạnh, quyết liệt của ngành thuế nhằm nỗ lực chống thất thu ngân sách, bảo đảm xây dựng môi trường thuế công bằng, minh bạch.

Tuy nhiên, để việc thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả và không ảnh hưởng đến người dân, DN, thiết nghĩ cơ quan thuế cần thực hiện ngay việc liên thông dữ liệu với cơ quan xuất nhập cảnh để có thể tháo gỡ ngay lệnh tạm hoãn xuất nhập cảnh tại hải quan cho những trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Như vậy, ngành thuế thu được thuế mà người nộp thuế cũng không rơi vào cảnh nộp thuế rồi nhưng vẫn lỡ công vỡ việc vì lệnh ngăn chặn không được tháo gỡ kịp thời.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-nang-de-lam-guong.html