Giải 'bài toán' tài chính chống biến đổi khí hậu

Chống biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách, là mối quan tâm chung của các quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu. Tuy nhiên, các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu chỉ có thể trở thành hiện thực khi nguồn lực tài chính dành cho chống biến đổi khí hậu được hỗ trợ đầy đủ.

Thiệt hại về nhà cửa và cơ sở hạ tầng do một cơn bão lớn tại tiểu bang Florida, Mỹ

Thiệt hại về nhà cửa và cơ sở hạ tầng do một cơn bão lớn tại tiểu bang Florida, Mỹ

2.400 tỷ USD mỗi năm để ứng phó biến đổi khí hậu

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications năm ngoái, cháy rừng, sóng nhiệt, hạn hán và các hiện tượng cực đoan khác do biến đổi khí hậu gây thiệt hại trung bình hơn 100 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2019. Còn kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu tác động biến đổi khí hậu Potsdam do Chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu ước tính vào khoảng 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050 và con số này gần như chắc chắn sẽ tăng lên khi hoạt động của con người thải ra nhiều khí nhà kính hơn.

Chống biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề sống còn với nhân loại. Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, các quốc gia đã nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900), tốt nhất là không quá 1,5 độ C. Muốn vậy, thế giới cần giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu lần lượt là 30% và 45% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi những chuyển đổi có quy mô lớn, nhanh chóng và mang tính hệ thống trên toàn cầu. Đi kèm với nó là nguồn tài chính khổng lồ để chuyển sang nền kinh tế xanh, công nghệ xanh ít phát thải khí nhà kính và đối phó với hậu quả thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra. Các nước đang phát triển lập luận rằng, các quốc gia phát triển phải chịu trách nhiệm về phát thải lịch sử trong quá trình công nghiệp hóa của các nước này trước đây. Vì thế, các nước này phải đóng góp tài chính đáng kể hơn để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của các nước đang phát triển khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới con đường phát triển bền vững.

Theo số liệu do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố, trong năm 2022, các nước giàu đã cung cấp 100 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo để chống biển đổi khí hậu. Tuy nhiên, con số này như “muối bỏ biển” so với khoản tài chính ước tính 2.400 tỷ USD hàng năm mà các nước đang phát triển, trừ Trung Quốc, cần có để ứng phó biến đổi khí hậu. OECD cho rằng nhu cầu đầu tư thực tế vào các hành động khí hậu ở các quốc gia nghèo có thể lên tới 1.000 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2025. Còn để duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu theo Thỏa thuận Paris, nguồn tài chính toàn cầu cho khí hậu phải tăng lên khoảng 9.000 tỷ USD/năm vào năm 2030.

Nhóm các nước thuộc khối BASIC, gồm Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc, cũng chỉ trích các quốc gia giàu có trên thế giới đã trốn tránh vai trò dẫn đầu về chính sách khí hậu để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển cắt giảm lượng khí thải nhà kính. BASIC kêu gọi các quốc gia phát triển đặt ra các mục tiêu mới, tham vọng hơn để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” sớm hơn mốc năm 2050, tốt nhất là vào năm 2030 và sau đó đạt mức phát thải ròng âm. Còn theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các nước G20 vốn chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu cần phải có nghĩa vụ đặc biệt trong việc dẫn dắt những nỗ lực này.

“Bài toán” tài chính chống biến đổi khí hậu

Để giải “bài toán” tài chính khí hậu, Liên hợp quốc đã công bố dự thảo về tài chính khí hậu để đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), sẽ diễn ra tại Azerbaijan vào tháng 11 tới. Tài liệu này hướng tới mục tiêu thay thế cam kết của các nước phát triển đóng góp 100 tỷ USD/năm giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu bằng mức tài trợ cao hơn. Dự thảo nêu ra 7 phương án sơ bộ, trong đó phản ánh quan điểm khác nhau giữa các nước phát triển và đang phát triển. Theo khối các nước Arập, các nước phát triển nên cam kết ít nhất 441 tỷ USD mỗi năm dưới dạng tài trợ trong giai đoạn 2025-2029 để huy động các khoản vay và tài chính tư nhân, qua đó nâng tổng số tiền hỗ trợ hàng năm lên 1.100 tỷ USD. Trong khi đó, các nước châu Phi kỳ vọng con số mục tiêu hàng năm là 1.300 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán gần đây, các nước tài trợ cho rằng, những con số nêu trong dự thảo của Liên hợp quốc là không thực tế. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Iceland, New Zealand và Australia lập luận rằng, họ chỉ chịu trách nhiệm với gần 30% lượng khí thải trong lịch sử. Họ cũng muốn đưa thêm Trung Quốc và các nước vùng Vịnh vào danh sách các nhà tài trợ. Thừa nhận các nước phát triển cần tiếp tục dẫn đầu trong việc huy động tài chính khí hậu, song EU vẫn nhấn mạnh rằng, mục tiêu chung chỉ có thể đạt được nếu các bên có lượng khí thải cao tham gia.

Rất nhiều thách thức đặt ra trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Theo các nhà phân tích, một trong những nhân tố quan trọng nhất trong nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu là hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới và có lượng phát thải nhiều nhất. Hiện Mỹ muốn khuyến khích tất cả các nước đóng góp cho quỹ tài chính khí hậu, nhưng Trung Quốc và một số nước đang phát triển quan ngại rằng điều này sẽ khiến các nước giàu lơ là với trách nhiệm của mình.

Các định chế tài chính thế giới như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cần phải điều chỉnh việc cho vay phù hợp với mục tiêu của thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu, cũng như việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Hiện Ngân hàng Thế giới đã đặt ra mục tiêu tăng gấp 3 lần mức bảo lãnh hàng năm lên 20 tỷ USD trong vòng từ 5 đến 6 năm tới. Việc tăng các khoản bảo lãnh này là một phần quan trọng trong nỗ lực của Ngân hàng Thế giới mở rộng bảng cân đối kế toán và tăng cho vay hơn 150 tỷ USD trong 10 năm để giúp chống biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác.

Nhiều sáng kiến khác cũng đã được đưa ra, trong đó có đề nghị ban hành mức thuế mới, đặc biệt đối với các ngành gây ô nhiễm, cũng như chuyển hướng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch sang phát triển xanh. Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, cơ quan này sẽ hỗ trợ các nước tăng cường các mục tiêu cắt giảm khí thải, với các kế hoạch khử carbon tăng cường dự kiến vào cuối năm 2024, đầu năm 2025. Còn EU thì nhấn mạnh trách nhiệm của ngành nhiên liệu hóa thạch trong việc đóng góp tài chính để hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn triển khai các biện pháp chống biến đổi khí hậu theo mục tiêu của Liên hợp quốc.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giai-bai-toan-tai-chinh-chong-bien-doi-khi-hau-post588698.antd