Phạt nặng doanh nghiệp niêm yết lập báo cáo tài chính sai, nhìn từ trường hợp của CII

Quyết định xử phạt CII cho thấy cơ quan quản lý đang mạnh tay hơn với doanh nghiệp có báo cáo tự lập sai lệch so với báo cáo qua soát xét, kiểm toán.

Sau CII, sẽ có thêm nhiều trường hợp khác

Ngày 18/8 vừa qua, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ra quyết định xử phạt CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) số tiền 85 triệu đồng.

Lý do là CII đã công bố báo cáo tài chính riêng, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 có sai lệch về số liệu của các chỉ tiêu: doanh thu, chi phí và lợi nhuận sau thuế so với báo cáo tài chính riêng, hợp nhất năm 2019 được kiểm toán.

Chênh lệch số liệu báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính là câu chuyện tồn tại dai dẳng trên thị trường chứng khoán trong nước nhiều năm nay.

Tình trạng này gây không ít bức xúc cho cộng đồng nhà đầu tư. Bởi lẽ, số liệu tài chính (doanh thu, lợi nhuận) của doanh nghiệp là một trong những căn cứ trọng yếu đối với quyết định bán, mua cổ phiếu của nhà đầu tư.

Số liệu lợi nhuận trên báo cáo tài chính tự lập dù cao hơn hay thấp hơn so với số liệu sau soát xét đều có ảnh hưởng tới giá cổ phiếu, gây nhiễu loạn trên thị trường tài chính.

Trong mùa công bố báo cáo kiểm toán năm 2019, cùng với CII, hàng loạt doanh nghiệp có chênh lệch lớn về số liệu tài chính theo hướng bất lợi cho cổ đông như CTCP Đầu tư và phát triển nhà đất COTEC (CLG), CTCP Gỗ Trường Thành (TTF), CTCP Camimex Group (CMX), CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG)…

Quyết định xử phạt CII đã cho thấy cơ quan quản lý đã mạnh tay với việc lập báo cáo tài chính sai lệch – điều mà công chúng đầu tư mong chờ lâu nay – nhằm thiết lập lại trật tự trên thị trường tài chính.

Đây có thể là bước tiến từ chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Trước thông tin từ Báo Đầu tư Chứng khoán phản ánh quan ngại của chuyên gia về các doanh nghiệp “nhào nặn” báo cáo tài chính, trong quý I/2020, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá, chủ động có biện pháp xử lý theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Tới đây, có thể sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phải chịu án phạt vì công bố thông tin sai dạng này.

Nhưng xử phạt cần kịp thời hơn

Trở lại câu chuyện của CII, khi thông báo xử phạt mới được ban hành, nhiều nhà đầu tư tỏ ra... ngơ ngác. Thông báo quá ngắn gọn, khiến họ không hiểu tường tận vấn đề gì đang diễn ra với CII.

Nhà đầu tư T.N.H. Đăng đặt câu hỏi: “Thông báo phạt sai lệch cụ thể là gì, vì sao bị phạt? Những điều này cần phải diễn giải chi tiết, để nhà đầu tư có thể đọc và hình dung ra mức độ nghiêm trọng của hành vi bị xử phạt”.

Không chỉ nhà đầu tư Đăng, nhiều nhà đầu tư tham gia một diễn đàn đầu tư cũng chia sẻ sự quan tâm đến vấn đề này.

Sở dĩ thông tin xử phạt CII được chú ý là bởi trong giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư đang đưa CII vào danh sách những cổ phiếu có khả năng hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Liên hệ với ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII để hỏi cụ thể về lý do bị xử phạt, ông cho biết, đây là nội dung đã được CII giải trình và công bố thông tin trên thị trường về việc chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán.

Xem lại giải trình công bố vào ngày 8/4/2020, CII cho biết: “Bản thân Công ty cũng rấ́t bấ́t ngờ về kết quả kinh doanh năm 2019 sau kiểm toán. Nguyên nhân chính là có sự khác biệt về quan điểm giữa đơn vị kiểm toán và Công ty CII liên quan đến việc ghi nhận doanh thu và chi phí”.

Cụ thể, đối với doanh thu năm 2019, các khoản doanh thu từ các thương vụ mà CII đã ký hợp đồng với các bên liên quan trong năm 2019, đã xác định được giá bán, giá vốn nhưng do các thủ tục hành chính và thanh toán kết thúc vào ngay ngày đầu năm 2020 và xảy ra trước thời điể̉m báo cáo kiể̉m toán được phát hành.

Thời gian diễn ra việc đàm phán và ký kết hợp đồng khung được cho là giai đoạn chiế́m thời gian và khối lượng công việc nhiều nhất trong thương vụ, khách hàng đã đặt cọc không hoàn lại hoặc dòng tiền về CII diễn ra vào năm 2019 nên CII nhận định và ghi nhận doanh thu các thương vụ này trong năm qua.

Tuy nhiên, theo quan điểm của đơn vị kiểm toán, các doanh thu này phải được hạch toán trong năm 2020 hoặc năm kế́ tiếp.

Còn về chi phí, khoản chi phí liên quan đến việc mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành cho nhà đầu tư Hàn Quố́c do Rhinos Asset Management Co., Ltd. (RAM) quản lý có thể phát sinh trong tháng 7/2020.

Theo quan điểm của CII, do nghiệp vụ mua lại trái phiếu trên chưa chắc chắ́n xảy ra trong tương lai nên tại thời điểm lập báo cáo tài chính quý IV/2019, CII đã không hạch toán chi phí khoản thanh toán thêm phát sinh do mua lại.

Tuy nhiên, để thận trọng, kiểm toán đã đề nghị CII ghi nhận chi phí vào năm tài chính 2019.

Những chênh lệch này đã khiến lợi nhuận sau thuế của CII năm 2019 giảm 524 tỷ đồng sau kiểm toán, chỉ còn 196 tỷ đồng.

Sau khi được chia sẻ lại thông tin ghi nhận được, các nhà đầu tư trên phần nào hiểu hơn về án phạt dành cho CII.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng thắc mắc vì sao cơ quan quản lý lại ban hành quyết định xử phạt cách xa thời gian doanh nghiệp công bố thông tin về chênh lệch số liệu như vậy.

Trong trường hợp của CII, khoảng cách này là hơn 4 tháng và thời điểm CII bị xử phạt lại rơi trúng thời điểm dòng tiền thị trường đang quan tâm tới cổ phiếu này.

Nhà đầu tư không dễ thấy được ngay lập tức mối liên hệ giữa sự kiện trong quá khứ của CII với nội dung phạt hành chính này.

Trước CII, ngày 14/6/2018, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang bị UBCK xử phạt 85 triệu đồng vì đã công bố thông tin sai lệch.

Quyết định này được đưa ra cách thời điểm công ty này công bố báo cáo kiểm toán giữa niên độ 2016- 2017 khoảng 5 tháng (17/1/2018).

Các nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi: DXG vừa có công bố báo cáo bán niên soát xét với số liệu lợi nhuận giảm gần 500 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, vì sao cơ quan chức năng không thông báo xử phạt ngay, từ đó, giúp thị trường hiểu về hành vi vi phạm, cũng như các doanh nghiệp khác nhìn vào để làm gương, mang tính răn đe và ngăn chặn hơn?

Theo nhà đầu tư Đăng, việc ban hành quyết định xử phạt cách xa thời điểm vi phạm trong nhiều trường hợp khiến nhà đầu tư bị tác động hai lần.

Lần đầu là công bố báo cáo kiểm toán có sai lệch và lần hai là thời điểm thông báo bị phạt hành chính vì vi phạm công bố thông tin sai lệch – về mặt tâm lý là rất bi quan.

Ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát kế toán - kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, đầu mối phát hiện, đề xuất hướng xử phạt sang Thanh tra UBCK là Vụ Giám sát công ty đại chúng của UBCK nếu hành vi vi phạm đã rõ và không có những tình tiết phức tạp.

Với những vụ việc có tính chất phức tạp, UBCK đề xuất Bộ Tài chính cùng vào cuộc xem xét thông qua tham gia các cuộc thanh, kiểm tra, để làm rõ vi phạm, trên cơ sở đó thống nhất chế tài xử lý. Đương nhiên, khi doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật về kế toán thì sẽ bị xử lý.

Nguyễn Hữu - Phan Hằng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phat-nang-doanh-nghiep-niem-yet-lap-bao-cao-tai-chinh-sai-nhin-tu-truong-hop-cua-cii-post249278.html