Phát ngôn ấn tượng 24/10: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K là con thuyền bị đắm vì cơ chế tự chủ không đến nơi, đến chốn

Mời quý vị cùng nhìn lại những phát ngôn và hình ảnh ấn tượng tại nghị trường ngày 24/10.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Việc nhân viên y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viện công, hay việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập"

Ông TRỊNH XUÂN AN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai:"Thực tế hiện nay cơ chế cho các bệnh viện tự chủ vừa rồi như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K thì gần như hiện tượng con thuyền đã bị đắm vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến chốn. Đặc biệt là 2 vấn đề lớn trong tự chủ về con người và vấn đề kinh phí đều không giải quyết được"

Bà TRIỆU THỊ NGỌC DIỄM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng:"Vì ngành y là ngành có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn các ngành khác. Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn."

Bà NGUYỄN KHÁNH PHONG LAN, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh:"Xã hội hóa được hiểu một cách đơn giản và thấy trên thực tế là ở mức Nhà nước ngưng chi trả lương, còn cơ chế tổ chức nhân sự, tài chính và mua sắm thì các bệnh viện đều không tự quyết được. Thực sự chúng ta chỉ chạy theo sự cố, nay bị thế này, mai bị thế kia và hậu quả hiện nay là bệnh viện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhân viên y tế thì sợ hãi, không dám làm, không dám chủ động sáng tạo và xin nghỉ. Nhiều bệnh viện xin rút không tự chủ."

Ông TẠ VĂN HẠ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: "Trong một cơ sở khám, chữa bệnh có thể có cả 3 cấp này không hay từng cấp riêng biệt. Ví dụ, nhà tôi ở gần bệnh viện cấp chuyên sâu. Nếu tôi khám bệnh thông thường lại phải ra đến cuối tỉnh để có cơ sở khám chữa bệnh cơ bản để tôi khám hay phải tuần tự từ ban đầu đến cơ bản rồi đến chuyên sâu hay như thế nào"

Ông LÊ VĂN CƯỜNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: "Hiện nay thủ tục hành chính quá nhiều nên bác sĩ không có thời gian chăm sóc bệnh nhân mà chỉ lo chăm sóc giấy tờ, bệnh án"

Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: "Trò chơi điện tử, như vụ án Phan Sào Nam…người chơi có thể dùng tiền mặt để đổi thẻ, đổi xèng, sau khi trò chơi kết thúc có thể đổi tiền, dùng tiền bẩn đổi đi đổi lại…"

Bà NGUYỄN THỊ THU NGUYỆT, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: "Thực tế trong việc phòng chống rửa tiền, lĩnh vực đất đai bất động sản phát sinh nhiều hanh vi này. Nên chăng bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ tài nguyên và môi trường vì đây là ĩnh vực nhạy cảm và dễ xảy ra nhiều hành vi phạm tội"

Ông NGUYỄN HẢI DŨNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: "Đề nghị là nếu có tranh luận thì nêu là tranh luận về vấn đề nào thôi chứ không nêu là tranh luận với đại biểu nào. Ví dụ như tôi nếu bị nêu là tranh luận với đại biểu Dũng thì tôi sẽ thấy rất là ngại ngùng xấu hổ như kiểu mình lạc lõng giữa đám đông."

Ông NGUYỄN TẠO, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: “Đề nghị thực hiện theo hai mức, tín nhiệm và không tín nhiệm, thể hiện cho rõ ràng, nếu để tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp thì cũng chưa thể hiện được vai trò của Quốc hội…”

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/2410-hinh-anh-va-phat-ngon-an-tuong