Phát ngôn ấn tượng phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Sau 1 ngày làm việc đã ghi nhận các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, nhìn thẳng vào vấn đề, phân tích đánh giá sâu sắc và đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể. Cùng nhìn lại những phát biểu ấn tượng trong phiên thảo luận.

Đại biểu TRẦN VĂN KHẢI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: "Chúng ta xác định mở cửa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch là một cuộc đua đường dài, không chỉ là những thành công của năm 2022, những thách thức của năm 2023 mà công cuộc phát triển đất nước ta có đi nhanh và đi xa được hay không tùy thuộc vào rất nhiều nền tảng và khả năng vượt qua thách thức hơn là chậm nắm bắt một cơ hội cụ thể."

Ông NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: "Điều quan trọng nhất ở đây mà chúng ta cần phải đánh giá đúng là khi rời khỏi khu vực công người ta có tiếp tục làm giáo viên nữa hay không, đó mới là điều chúng ta cần phải đánh giá đúng. Nếu như họ chuyển sang làm khu vực tư thì hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, mà đều là phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Ở đây chúng ta cần phải đánh giá một cách sát nhất, thực chất nhất để có một giải pháp phù hợp."

Ông NGUYỄN HUY THÁI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: "Cử tri đang rất lo lắng về tình trạng lương chưa tăng, chỉ mới rục rịch tăng thôi thì giá cả đã "nhanh chân mà chạy trước" rồi, câu chuyện giá - lương - tiền cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện mà người lao động tha thiết quan tâm."

Bà VŨ THỊ LƯU MAI, Đại biểu Quốc hội tỉnh thành phố Hà Nội: "Cần xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ, cần đề cao trách nhiệm nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng - sai phải rõ ràng để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, để không tạo một tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng. Có như vậy thì hiệu quả quản lý nhà nước mới không đi xuống."

Ông TẠ VĂN HẠ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: "Khi tôi đặt câu hỏi là tại sao Luật Đất đai có từ năm 2013, Luật Đấu thầu cũng triển khai từ năm 2013, tại sao trong suốt quá trình đó không thấy vướng mắc như bây giờ và làm bằng cách nào. Có một số người trả lời rất thẳng thắn là bây giờ không muốn làm và không dám làm, bởi vì trước làm đã không đúng, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm, cho nên nếu bây giờ làm đúng như vậy sẽ phát sinh ra những vấn đề trước đây đã làm, chính vì vậy cho nên, đến bây giờ là cầm chừng, hạn chế và không dám làm."

Ông HOÀNG ĐỨC THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: "Vẫn còn đó vụ án gỗ trắc xảy ra tại Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng cách đây 10 năm có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng trong xử lý vụ án, nghi ngờ về tính đúng đắn trong phán quyết của Tòa án nhân dân. Một lần nữa, chúng tôi xin kiến nghị Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đừng để thời gian trôi đi trong nỗi khắc khoải, chờ mong của người dân, trong sự chờ đợi của đại biểu Quốc hội và công luận và cũng xin đừng để "tiếng tôi vang rừng núi, sao không ai trả lời" mãi thế sao."

Ông LÊ HOÀNG ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: “Khi đưa ra chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ đã tính khả năng hấp thụ vốn nhanh. Tuy nhiên thực tế triển khai không phải như vậy. Đừng để việc thực hiện nghị quyết 43 mà lại gặp phải tình trạng ngược chiều hun hút như tên một tác phẩm”

Thực hiện : Nhóm Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phat-ngon-an-tuong-phien-thao-luan-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi