Phạt 'nguội' vi phạm môi trường

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, trong đó có quy định một số hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường có thể bị phạt 'nguội'.

Dư luận quan tâm bởi lẽ vấn đề môi trường đang nổi cộm, gây bức xúc ở nhiều địa phương, đặc biệt là vấn nạn xả rác bừa bãi; là sự “bức tử” sông hồ; là chất lượng không khí, nguồn nước đáng báo động...

Dư luận còn băn khoăn về tính khả thi của việc xử phạt bởi lẽ rất nhiều điều, khoản trong nghị định hiện hành quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không được thực hiện hoặc thực hiện rất ít trên thực tế, ví dụ như các hành vi vứt rác bừa bãi, tiểu tiện, đại tiện, vứt tàn thuốc lá... không đúng nơi quy định.

Quy định về phạt “nguội” trong dự thảo nghị định là vấn đề rất mới trong lĩnh vực môi trường. Theo đó, cho phép cơ quan chức năng sử dụng thông tin dữ liệu từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật là máy móc, thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình... thu được do cá nhân, tổ chức tự đầu tư, mua sắm, trang bị để phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Theo các chuyên gia về môi trường và pháp luật thì việc xử phạt “nguội” người vứt rác bừa bãi đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Quy định mới này cũng phù hợp với xu thế đô thị thông minh khi hệ thống camera được áp dụng ngày càng nhiều. Quy định này nếu được áp dụng cũng làm tăng cường hơn khả năng giám sát của cộng đồng, tăng đáng kể hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính, tăng tính răn đe, giảm thiểu hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng, góp phần thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Thực tế tại Việt Nam, việc phạt “nguội” cũng đã được áp dụng trong lĩnh vực giao thông và đã mang lại hiệu quả khá tích cực. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng có một số địa phương thí điểm việc xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi bằng hệ thống camera giám sát.

Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi việc phạt “nguội” trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì việc đầu tư các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được coi là một trong những điều tiên quyết. Cần phải xây dựng cơ sở pháp lý cho việc sử dụng dữ liệu thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật do tổ chức, cá nhân cung cấp (camera an ninh, camera hành trình của các phương tiện giao thông, camera giám sát tại nơi công cộng...) làm căn cứ để phạt “nguội”.

Tiếp đó, cần phải có chế tài xử lý những hành vi mà người vi phạm không tự giác đến nộp phạt. Trong lĩnh vực giao thông, người bị phạt “nguội” nếu không nộp phạt sẽ không được đăng kiểm phương tiện, gia hạn giấy phép lái xe. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng cần phải có quy định ràng buộc, ví dụ như có thể nêu đích danh người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo với cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú...

Để có thể phạt “nguội” được trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng như công an, môi trường, chính quyền các địa phương... và làm thật tốt công tác tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/phat-nguoi-vi-pham-moi-truong-691492